MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiểm tra an toàn tại một đường hầm của đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, tháng 2.2020. Ảnh: Dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung

Đường sắt cao tốc Trung Quốc xây ì ạch ở Indonesia đội vốn hàng tỉ đô

Ngọc Vân LDO | 24/10/2021 18:18
Dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc xây ở Indonesia chậm tiến độ, đội vốn hàng tỉ USD sau 6 năm thi công.

Khi Indonesia trao hợp đồng đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung cho một công ty Trung Quốc cách đây 6 năm, dự án được cho là sẽ hoàn thành vào năm 2018 mà không cần chính phủ Indonesia đóng góp hoặc bảo lãnh tài chính - tờ Nikkei cho hay.

Nhưng với nhiều năm xây dựng chậm tiến độ và đội vốn hàng tỉ USD, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ban hành một sắc lệnh ngày 6.9 vừa qua cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tài trợ cho dự án thông qua bảo lãnh cho vay hoặc rót vốn.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) tại lễ khởi công tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung năm 2016. Ảnh: Reuters

Trung Quốc và Indonesia đã ký một thỏa thuận vào tháng 9.2015 để xây dựng tuyến đường sắt dài 140km, kết nối thủ đô Jakarta và thành phố Bandung của Tây Java. Theo thiết kế, khi tuyến đường sắt cao tốc này hoàn thành, thời gian di chuyển giữa Jakarta và Bandung rút ngắn từ ba tiếng rưỡi trên các chuyến tàu hiện có xuống còn 45 phút.

Indonesia ban đầu dự kiến ​​chi phí xây dựng hết 5,5 tỉ USD, nhưng đã đội vốn lên 6,07 tỉ USD tính đến tháng 1 năm nay - 5 năm kể từ khi dự án động thổ.

Một đánh giá gần đây hơn của Kereta Cepat Indonesia China - liên doanh giữa các doanh nghiệp nhà nước Indonesia, các công ty đường sắt Trung Quốc và nhà điều hành dự án - đã chốt chi phí không dưới 7,97 tỉ USD.

Theo một giám đốc điều hành của công ty đường sắt nhà nước Kereta Api Indonesia (KAI), tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung đã đội vốn 1,9 tỉ USD.

Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung dài 140km. Ảnh: Indonesia Investments

KAI cho biết chi phí thu hồi đất và xây dựng vượt quá mong đợi, trong khi sự chậm trễ lặp đi lặp lại đã ảnh hưởng đến chi phí dự án. Ngoài ra, phí tư vấn tài chính và thuế chồng chất cũng là những nguyên nhân khiến chi phí tăng lên.

Liên doanh Kereta Cepat Indonesia China (KCIC) được cho là sẽ hoàn thành việc thu hồi đất cho dự án vào cuối năm 2016. Nhưng hồ sơ sai sót do cơ quan chức năng lưu giữ khiến việc tìm kiếm chủ đất thực sự khó khăn hơn. Tuyến đường sắt cũng đòi hỏi thêm khoảng 30% diện tích đất so với kế hoạch ban đầu, làm tăng thêm chi phí.

75% chi phí của dự án là các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, và phần còn lại từ quỹ KCIC. KCIC do phía Indonesia sở hữu 60% và phía Trung Quốc sở hữu 40%. Nhưng phía Indonesia dường như đã không bơm đủ vốn và Trung Quốc đang từ chối cung cấp các khoản vay bổ sung hoặc để các công ty Trung Quốc gánh thêm bất kỳ chi phí nào.

Trước khi Trung Quốc ký kết dự án, Nhật Bản đã đề xuất xây dựng một tuyến đường sắt kiểu tàu cao tốc Nhật Bản shinkansen từ Jakarta đến Bandung, với chi phí 600 tỉ yen (5,29 tỉ USD theo tỉ giá hiện tại), trong đó 450 tỉ yen được tài trợ thông qua các khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) 40 năm. Nhật Bản đưa ra lãi suất 0,1% đối với các khoản vay - thấp hơn mức lãi suất thông thường ít nhất là 1% - để đổi lấy việc một công ty Nhật Bản giành được hợp đồng.

Nhưng Indonesia đã chọn phương án của Trung Quốc sau khi phía Trung Quốc hứa hẹn sẽ chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc và giúp Indonesia không phải chịu bất kỳ chi phí nào hoặc trả nợ. Kế hoạch hoàn thành xây dựng của Trung Quốc vào năm 2018, so với quá trình sàng lọc có thể kéo dài của Nhật Bản trước khi động thổ, cũng góp phần vào quyết định này của Indonesia.

Tuyến đường sắt Jakarta-Bandung đội vốn hàng tỉ USD. Ảnh: Reuters

"Đối với các dự án ODA của Nhật Bản, chúng tôi tiến hành phân tích chi phí kỹ lưỡng trước để tránh phát sinh thêm chi phí" - một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết. Tokyo xem xét kỹ lưỡng các kế hoạch của chính phủ tiếp nhận để đảm bảo đất đai cần thiết khi có các khoản vay chính thức.

Tuyến đường sắt đã hoàn thành khoảng 79%, dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2022 - muộn hơn so với đề xuất của Nhật Bản vào năm 2021. Tuy nhiên, các lợi thế khác của dự án do Trung Quốc thực hiện cũng tiêu tan, với chi phí hiện cao hơn 40% so với đề xuất của Nhật Bản và Indonesia đang chuẩn bị rót vốn nhà nước vào dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn