MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phạm Đông

Đường sắt đô thị ở Đông Nam Á mở rộng nhanh chóng

Thanh Hà LDO | 13/07/2023 13:39

Mạng lưới đường sắt đô thị toàn khu vực Đông Nam Á sẽ tăng 20% vào năm 2024, giúp giảm tắc nghẽn.

Nikkei đã khảo sát đường sắt đô thị ở các thủ đô và thành phố lớn khắp Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Tổng chiều dài của các tuyến đường sắt đô thị ở các quốc gia kể trên dự kiến đạt 1.356 km vào cuối năm 2024. Trước đó, tới tháng 1.2023, chiều dài toàn tuyến là 1.147 km.

Tại Thái Lan, tuyến Yellow Line nối ngoại ô Bangkok với tỉnh Samut Prakan bắt đầu hoạt động trong tháng 7. Tuyến này kéo dài trên 30 km với 23 nhà ga. Trong thời gian chạy thử vào tháng 6, Yellow Line thu hút khoảng 680.000 hành khách trong vòng hơn 2 tuần.

Thái Lan đã mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị từ năm 1999. Tính cả tàu điện ngầm, tới năm nay, các tuyến đường sắt đô thị của Thái Lan dài hơn 200 km, với phạm vi triển khai nhanh gần bằng các quốc gia có đường sắt đô thị hàng đầu Đông Nam Á là Malaysia và Indonesia.

Các quốc gia trong khu vực chậm phát triển mạng lưới đường sắt đô thị cũng đang nhanh chóng mở rộng hoặc lên kế hoạch cho các tuyến mới.

Tại Việt Nam, tuyến tàu điện đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khai trương vào năm tới. Tuyến này dài hơn 20 km, có 14 ga. Hà Nội có hệ thống tàu điện dài 13 km. Như vậy, tàu điện đô thị của Việt Nam sẽ có tổng chiều dài 33 km vào năm 2024.

Tại Philippines, mạng lưới Metro Rail Transit cũng đang được mở rộng. Cuối tháng 6, tập đoàn San Miguel cho biết, đã huy động được 100 tỉ peso (1,79 tỉ USD) để xây dựng tuyến số 7 nối khu vực đô thị Manila với các cộng đồng ở vòng ngoài.

Dân số đô thị ở Đông Nam Á đang tăng lên dẫn tới tắc nghẽn giao thông trên đường phố, ô nhiễm không khí từ khí thải xe cộ.

Các công ty cơ sở hạ tầng đường sắt của Nhật Bản và châu Âu đã dẫn đầu về lượng đặt hàng từ Đông Nam Á. Các doanh nghiệp ở Nhật Bản đang xem Đông Nam Á là thị trường trọng điểm cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt đô thị.

Năm ngoái, công ty xây dựng Shimizu có trụ sở tại Tokyo đã giành được hợp đồng ở Indonesia để xây dựng một phần tuyến đường sắt dự kiến khai trương năm 2029. Dự án gồm 3 ga tàu điện ngầm.

Tháng trước, công ty Pháp Alstom tiết lộ sẽ cung cấp các toa tàu mới phục vụ các tuyến bắc-nam và đông-tây của Singapore. Việc giao hàng đã bắt đầu với 16 đoàn tàu. Tới cuối năm 2026, tổng số 106 đoàn tàu sẽ được giao.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Lào với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, khai trương vào tháng 12.2021. Trung Quốc cũng dẫn đầu trong xây dựng tuyến đường sắt cao tốc của Indonesia sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm nay.

Trung Quốc dự kiến dùng thành tích đó để cạnh tranh với các nhà cung cấp Nhật Bản và châu Âu trong các dự án đường sắt đô thị của khu vực. Tại Bangkok, đường sắt đô thị Red Line sử dụng các toa tàu do Hitachi của Nhật Bản sản xuất trong khi Yellow Line dùng đầu máy do CRRC của Trung Quốc sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn