MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án phát triển khí đốt Midia ở làng Vadu trên bờ Biển Đen ở đông nam Romania, tháng 6.2022. Ảnh: Xinhua

EU bắt đầu cơ chế mua chung khí đốt giữa lạm phát tăng vọt

Khánh Minh LDO | 11/05/2023 11:35

Hơn 100 doanh nghiệp EU dự kiến tham gia cơ chế mua chung khí đốt, trong bối cảnh lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng vọt.

Ủy ban châu Âu đã công bố cuộc đấu thầu quốc tế đầu tiên mua chung khí đốt theo một cơ chế mới của EU - RT dẫn lời Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách quan hệ giữa các tổ chức, ông Marosh Shefchovich, cho biết hôm 10.5.

Theo quan chức này, trong lần gọi thầu đầu tiên, 77 công ty châu Âu đã gửi về yêu cầu khoảng 11,6 tỉ mét khối, trong đó, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dao động quanh mức 2,8 tỉ mét khối, và 9,6 tỉ mét khối được yêu cầu giao hàng qua đường ống.

Các nhà cung cấp khí đốt quốc tế, trừ Nga, sẽ gửi báo giá trước ngày 15.5. Nếu giao dịch được ký kết, khí đốt dự kiến được giao từ tháng 6.2023 đến tháng 5.2024.

“Đây là một cột mốc lịch sử, bởi lần đầu tiên, chúng ta đang tận dụng sức nặng kinh tế tập thể của EU để tăng cường an ninh năng lượng và giải quyết vấn đề giá khí đốt cao” - ông Shefchovich nói.

Ông cho biết, EU dự kiến tiến hành các cuộc đấu thầu ba tháng một lần, đồng thời nhấn mạnh rằng phản ứng của thị trường đối với cuộc đấu thầu đầu tiên là “tích cực và đáng khích lệ”.

Theo ông Shefchovich, cho đến nay, khoảng 107 công ty đã đăng ký tham gia mua chung khí đốt thông qua cơ chế AggregateEU và nhiều công ty khác đang trong quá trình tham gia.

Cơ chế AggregateEU - được coi là một thị trường mới để giao dịch khí đốt trong EU với mức giá tốt hơn - đã được Ủy ban châu Âu đưa ra vào tháng Tư. Các nhà lập pháp EU kỳ vọng cơ chế này sẽ giúp các thành viên trong khối cùng lấp đầy các kho dự trữ khí đốt cho mùa đông tới và tăng cường an ninh năng lượng trong khu vực.

Theo ông Shefchovich, cơ chế mới này “rõ ràng là đôi bên cùng có lợi” đối với cả khách hàng EU và cả các nhà cung cấp khí đốt quốc tế.

Cơ chế mới sẽ giúp ngành công nghiệp, bao gồm cả các tập đoàn sử dụng nhiều năng lượng, thiết lập quan hệ thương mại mới với các nhà cung cấp khí đốt thay thế trong bối cảnh EU nỗ lực loại bỏ dần khí đốt Nga.

Trong khi đó, lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên 7% trong tháng 4 - là lần tăng đầu tiên trong 5 tháng qua.

Theo dữ liệu do Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố hôm 9.5, lạm phát tăng từ mức 6,9% trong tháng 3 lên 7% trong tháng 4, do giá thực phẩm tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng trước. 

Giá thực phẩm tháng 4.2023 ở khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng 13,6% so với cùng kì năm ngoái. Ảnh: Xinhua

Thực phẩm, rượu và thuốc lá có tỉ lệ tăng cao nhất trong tháng 4, tiếp theo là hàng công nghiệp phi năng lượng, tăng 6,2%.

Dịch vụ tăng 5,2% trong tháng 4, so với 5,1% của tháng trước. Giá năng lượng đã tăng trở lại 2,5% sau khi giảm nhẹ 0,9% trong tháng 3.

Lạm phát lõi - không bao gồm giá lương thực và năng lượng - đã giảm từ 5,7% trong tháng 3 xuống 5,6% trong tháng 4. Dữ liệu được các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) theo dõi chặt chẽ, để quyết định có tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát hay không trong cuộc họp ngày 11.5.

Latvia tiếp tục vật lộn với mức lạm phát cao nhất ở mức 15%, tiếp theo là Slovakia, Lithuania và Ireland - tất cả đều phải đối mặt với mức giá tiêu dùng tăng hai con số trong khu vực Eurozone gồm 20 thành viên.

Lạm phát ở Đức - nền kinh tế lớn nhất của EU - đã giảm xuống 7,6% trong tháng 4 từ mức 7,8% trong tháng 3. Tuy nhiên, tại Pháp, giá tiêu dùng tăng 6,9% trong tháng 4 so với mức 6,7% trong tháng 3.

Các nhà kinh tế cảnh báo, mặc dù ECB chưa cam kết tăng lãi suất mới, nhưng các số liệu mới nhất cho thấy khả năng đó sẽ cao hơn. Lãi suất tiền gửi chính trong khu vực đồng euro đứng ở mức 3%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cho biết, kiềm chế lạm phát đồng thời tránh suy thoái kinh tế là thách thức lớn nhất mà EU sẽ phải đối mặt trong những tháng tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn