MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hợp đồng vận chuyển khí đốt Nga sang EU qua Ukraina sẽ hết hạn vào năm 2024. Ảnh: Sputnik

EU có thể mất nốt nguồn khí đốt Nga qua Ukraina

Ngọc Vân LDO | 23/06/2023 09:09

Ngày 22.6, tờ Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Ukraina, ông German Galushchenko cho biết, các đường ống cung cấp khí đốt từ Nga tới EU qua Ukraina có thể bị cắt vào năm tới khi hợp đồng vận chuyển giữa Mátxcơva và Kiev hết hạn.

Thỏa thuận có hiệu lực đến năm 2024 và cơ hội đàm phán một thỏa thuận mới là rất mong manh - ông German Galushchenko nói.

Điều này có nghĩa là dòng khí đốt của Nga tới EU qua một trong những đường ống cuối cùng còn lại sẽ dừng lại, khiến Ukraina nhiều khả năng mất hàng tỉ USD phí quá cảnh.

“Khó hình dung được cách thức hai bên có thể gia hạn thỏa thuận” - ông Galushchenko nói khi được hỏi liệu Ukraina có sẵn sàng đàm phán lại hợp đồng với Nga hay không. “Có thể nói rằng chúng tôi đang chuẩn bị cho việc cắt giảm nguồn cung” - Bộ trưởng cho hay.

Với sự trung gian của EU, hợp đồng 5 năm hiện tại giữa Nga và Ukraina được kí kết vào năm 2019 chỉ 24 giờ trước khi thỏa thuận trước đó hết hạn.

Theo thỏa thuận này, gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga đồng ý vận chuyển 65 tỉ mét khối khí đốt qua Ukraina vào năm 2020 và 40 tỉ mét khối mỗi năm từ năm 2021 đến 2024.

Trước tháng 3.2022, EU nhận phần lớn khí đốt tự nhiên từ Nga. Các nguồn cung cấp được vận chuyển thông qua mạng lưới đường ống của Ukraina, cũng như các đường ống Nord Stream và TurkStream.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt Nga và vụ phá hoại đường ống Nord Stream đã khiến nguồn cung giảm mạnh và EU buộc phải tăng cường dự trữ vào năm ngoái. Điều này đã đẩy giá khí đốt lên mức cao nhất mọi thời đại là 3.600 USD/1.000 mét khối vào tháng 8.2022.

Kể từ đó, giá khí đốt tự nhiên đã giảm khoảng 10 lần do các cơ sở dự trữ của EU được lấp đầy trên mức cần thiết. Nguồn cung khí đốt Nga qua Ukraina hiện chiếm 5% lượng khí đốt xuất khẩu của Mátxcơva sang châu Âu.

Tuy nhiên, một số nước EU vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt nhập khẩu từ Nga. Khí đốt chảy qua Ukraina đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu của Áo trong tháng 5, theo dữ liệu từ công ty tư vấn năng lượng ICIS, trong khi ở Slovakia, nó chiếm tới 95% tổng lượng tiêu thụ.

Laurent Ruseckas - nhà phân tích tại S&P Global Commodity Insights - nói: “Thật khó gia hạn hợp đồng khi hai bên không tin tưởng nhau. Nhưng về lí thuyết, khí đốt sẽ tiếp tục được lưu thông nếu người châu Âu vẫn muốn mua và Nga sẵn sàng cung cấp”.

Tờ Financial Times lưu ý, ngay cả khi nguồn cung bị mất một chút cũng sẽ khiến giá khí đốt tăng vọt trên khắp lục địa, mặc dù EU đã tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Na Uy và Algeria.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn