MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
EU lo ngại dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đổ bể vì trừng phạt mới của Mỹ với Nga. Ảnh: Bloomberg

EU đau đầu đối phó trừng phạt mới của Mỹ với Nga

VÂN ANH LDO | 27/07/2017 06:28
Liên minh Châu Âu (EU) đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả những chế tài mới của Mỹ đối với Nga vì chúng có thể ảnh hưởng đến các công ty của Châu Âu. Tuy nhiên, ngay trong nội khối này đã có chia rẽ về cách thức đối phó.

Đụng chạm lợi ích kinh tế

Khi Uỷ ban Châu Âu chuẩn bị chống lại những trừng phạt mới mà Quốc hội Mỹ có thể áp đặt lên Nga trong tuần này, nghe như có vẻ Châu Âu đang đứng về phía Nga sau 3 năm EU trừng phạt kinh tế Nga, và khi liên minh này đang có những rạn nứt. Nhưng thực tế thì phức tạp hơn nhiều: EU chỉ đơn thuần quan tâm đến những lợi ích kinh tế của họ bị ảnh hưởng bởi dự luật trừng phạt của Mỹ mà thôi.

Ngày 25.7, theo kế hoạch, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật được lưỡng đảng và Thượng viện ủng hộ nhằm áp đặt chế tài mới với Nga, Iran và Triều Tiên, mặc dù trước đó một ngày, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker cho biết, vẫn còn quá sớm để nói tới việc đạt được thỏa thuận về dự luật tăng cường các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.

Dự luật này có một phần gây tranh cãi về việc trao quyền cho tổng thống trừng phạt bất kỳ công ty nào cung cấp công nghệ, dịch vụ, đầu tư hay hỗ trợ các dự án đường ống dẫn dầu xuất khẩu của Nga. Điều này dẫn đến những hệ luỵ nguy hiểm đối với các công ty Châu Âu là đối tác của Nga trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), trong đó có Công ty Engie của Pháp, Royal Dutch Shell của Anh - Hà Lan, OMV Group của Áo và Uniper & Wintershall của Đức. Các công ty khác của EU tham gia vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá hơn 11 tỉ USD để vận chuyển khí đốt Nga qua Baltic, cũng có thể bị 
ảnh hưởng.

Mặc dù cả Mỹ và EU đều áp đặt chế tài rộng rãi trên các lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng của Nga để đáp trả việc Nga sáp nhập Crưm và vai trò của Nga ở đông Ukraina, song các quốc gia phía bắc của EU phải tìm cách bảo vệ nguồn cung cấp khí đốt từ Nga mà họ phụ thuộc bấy lâu.

Ông Markus Beyrer - Giám đốc Business Europe, cơ quan vận động hành lang kinh doanh chính của EU - thúc giục Mỹ “tránh các hành động đơn phương gây ảnh hưởng đến EU, công dân và các công ty của EU” - Reuters cho hay. Dự kiến hôm nay (26.7), Uỷ ban Châu Âu sẽ thảo luận các bước tiếp theo. Uỷ ban có thể đề nghị một lời hứa chính thức của Mỹ nhằm miễn trừ cho các công ty năng lượng của EU, sử dụng luật của EU để ngăn chặn các biện pháp của Mỹ chống lại các thực thể EU, hoặc áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc làm ăn với một số công ty Mỹ.

Nhưng nếu không có lời hứa của Mỹ, các biện pháp trừng phạt như hạn chế công ty Mỹ tiếp cận ngân hàng EU đòi hỏi sự nhất trí của toàn bộ 28 thành viên EU. Trong khi đó, các nước như Ba Lan hay các quốc gia vùng Baltic nhiều khả năng sẽ không ủng hộ, vì như vậy sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của EU vào khí đốt Nga.

Vài công cụ có sẵn

Một quan chức EU cho biết, hầu hết các quốc gia thành viên đều thấy rằng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 “đi ngược lại, hoặc ít nhất không hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu của EU” trong việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Anh, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, cũng thận trọng khi đối đầu với Mỹ, vì nước này chuẩn bị rời EU và sẽ tìm kiếm một thoả thuận thương mại với Mỹ.

Trên thực tế, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Junker có một vài công cụ mà không cần sự đồng tình của tất cả 28 nước thành viên. Uỷ ban Châu Âu có thể một mình khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO. Tuy nhiên, việc áp đặt các khoản thuế trừng phạt vào hàng hoá Mỹ đòi hỏi bằng chứng cụ thể rằng các công ty Châu Âu bị thiệt thòi, nhưng quá trình này phải mất nhiều tháng.

Những hành động phản đối ngoại giao, như cắt giảm các chuyến thăm chính thức của quan chức EU tới Washington dường như không mấy hiệu quả, vì yêu cầu của các cao uỷ EU đề nghị gặp thành viên trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đều chưa được hồi âm.

Trong bối cảnh này, lại mới có thêm thông tin, rằng Đức đang thúc giục EU bổ sung 4 công dân và công ty Nga vào danh sách cấm vận của khối này, sau khi có bằng chứng cho thấy turbin khí do Siemens Đức sản xuất đã được chuyển đến Crưm, vi phạm các biện pháp trừng phạt.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn