MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cờ của EU tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Xinhua

EU đồng ý tăng gần gấp đôi năng lượng tái tạo vào năm 2030

Duy Phương LDO | 31/03/2023 13:59

Ngày 30.3, Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận để tăng gần gấp đôi tỉ lệ năng lượng tái tạo trong mức tiêu thụ năng lượng của khối 27 quốc gia vào năm 2030. 

AFP cho hay, mục đích thỏa thuận của EU là đạt được mức trung hòa carbon và ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Thỏa thuận này tìm cách nâng tỉ lệ năng lượng tái tạo từ 22% hiện nay lên 42,5% vào năm 2030.

EU đặt mục tiêu đầy tham vọng trở thành nền kinh tế đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Động thái này của EU cũng là để tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga sau khi Mátxcơva cắt nguồn cung khí đốt vào năm ngoái. EU cũng đã cấm dầu thô vận chuyển bằng đường biển và các sản phẩm dầu mỏ khác từ Nga.

"Năng lượng tái tạo sẽ góp phần đảm bảo chủ quyền năng lượng của chúng ta bằng cách giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch" - ông Frans Timmermans - Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - nói.

Ông Timmermans thông tin thêm, việc tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo và giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch cũng có nghĩa là người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp cận được năng lượng rẻ hơn.

Tuy nhiên, các cơ quan môi trường đã chỉ trích thỏa thuận này của EU vì cho rằng mục tiêu vẫn còn thấp.

“Mục tiêu khoảng 45% là thấp. Việc đặt mục tiêu thấp hơn 45% cho thấy sự mất đoàn kết và thiếu tham vọng của châu Âu” - Cosimo Tansini - chuyên viên chính sách về năng lượng tái tạo tại Cục Môi trường Châu Âu (EEB) - cho biết.

Mục tiêu trước đó cho năm 2030 là đạt mức 32%. Tuy nhiên, thỏa thuận đề xuất các quốc gia thành viên nên nỗ lực hết sức để đạt được 45% cũng như tìm cách cắt giảm thủ tục hành chính với các dự án năng lượng tái tạo.

Theo thông cáo từ Hội đồng Châu Âu, mục tiêu đẩy nhanh xây dưng cơ sở hạ tầng để tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo là một phần trong kế hoạch của EU để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Các tấm quang năng đặt trên mái nhà ở Haarlem, Hà Lan. Ảnh: Xinhua

Thỏa thuận bao gồm hydro, năng lượng hạt nhân và sinh khối trong danh sách các nguồn năng lượng tái tạo cùng với công nghệ năng lượng mặt trời và gió. Sinh khối có nguồn gốc từ vật liệu hữu cơ như cây cối, thực vật, chất thải đô thị và cả việc đốt gỗ để sản xuất điện.

Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển muốn tiếp tục đốt gỗ để sản xuất sinh khối, nhưng đã bị các cơ quan môi trường chỉ trích vì lo ngại về tác động của hoạt động này với rừng.

Ông Pascal Canfin - chủ tịch Ủy ban môi trường của Nghị viện Châu Âu - cho biết, thỏa thuận đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt về sử dụng sinh khối.

Nhà sản xuất năng lượng hạt nhân lớn của Pháp và các đồng minh muốn "hydro carbon thấp" được tạo ra từ năng lượng hạt nhân có cùng trạng thái với hydro được tạo ra từ năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió.

Một nhóm do Đức dẫn đầu phản đối việc đưa hydro được sản xuất từ ​​​​năng lượng hạt nhân vào trong thỏa thuận của EU vì lo ngại làm chậm tiến độ dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Theo ông Canfin, thỏa thuận của EU có nghĩa là Pháp có thể sử dụng năng lượng hạt nhân và không bị buộc phải xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo để sản xuất hydro cho ngành công nghiệp và giao thông. Đây là điều kiện tuyệt đối để Pháp ủng hộ thỏa thuận này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn