MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
EU cảnh báo cuộc khủng hoảng khí đốt còn kéo dài. Ảnh: Getty

EU, Đức như ngồi trên lửa về khí đốt

Khánh Minh LDO | 05/11/2022 08:12
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU có thể kéo dài đến năm 2024, khi dự trữ khí đốt cạn kiệt - IEA và Đức cảnh báo.

Trong báo cáo mới về tương lai của thị trường năng lượng, Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo về  tình trạng thiếu khí đốt vào mùa đông 2023-2024 vì các nước Châu Âu có thể không nạp đầy các cơ sở lưu trữ trong những tháng mùa hè.

IEA giải thích rằng việc bổ sung dự trữ trong năm nay "được hưởng lợi từ các yếu tố có thể không lặp lại vào năm 2023". Chẳng hạn, trong năm nay, nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga vẫn gần với mức cũ trong phần lớn nửa đầu năm mặc dù đã giảm dần do các lệnh trừng phạt và những khó khăn về kỹ thuật.

EU cũng được hưởng lợi từ việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2022, cho phép EU bù đắp cho sự sụt giảm về nguồn cung khí đốt của Nga.

“Trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt đường ống và EU phục hồi nhập khẩu LNG của Trung Quốc lên mức năm 2021, phân tích mới của IEA cho thấy Châu Âu có thể thiếu tới 30 tỉ mét khối để bổ sung kho dự trữ khí đốt vào mùa hè năm 2023. Con số này chiếm gần một nửa lượng khí cần thiết để lấp đầy các điểm lưu trữ nhằm đạt mục tiêu 95% công suất vào đầu mùa sưởi ấm 2023-24” - RT dẫn báo cáo của IEA cho biết.

Giám đốc IEA Fatih Birol nói rằng mùa đông năm sau có thể khắc nghiệt hơn nhiều so với mùa đông năm nay.

Ông Birol cảnh báo: “Khi chúng tôi xem xét các xu hướng mới nhất và những diễn tiến có thể xảy ra trên thị trường khí đốt toàn cầu và Châu Âu, chúng tôi thấy Châu Âu sẽ phải đối mặt với một thách thức thậm chí còn lớn hơn vào mùa đông năm tới".

Ông Birol gợi ý rằng để cuộc khủng hoảng không trở nên tồi tệ hơn, các chính phủ Châu Âu nên đẩy mạnh việc "giảm tiêu thụ khí đốt một cách cơ cấu" trong toàn khu vực.

EU kêu gọi các nước giảm tiêu thụ khí đốt. Ảnh: Getty

Trong khi đó, Đức cảnh báo về mối đe dọa đối với dự trữ khí đốt của nước này. Ông Klaus Mueller - giám đốc Cơ quan Mạng lưới Liên bang của Đức - cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Der Spiegel hôm 4.11 rằng, các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức có thể nhanh chóng cạn kiệt nếu thời tiết chuyển lạnh.

“Một vài ngày lạnh cóng là đủ để lượng khí đốt tiêu thụ tăng mạnh. Từ dữ liệu lịch sử, chúng tôi biết rằng khi trời thực sự lạnh, các bể chứa sẽ nhanh chóng cạn kiệt” - ông Mueller nói.

Quan chức này cho biết thêm, Đức có thể vượt qua mùa đông, nhưng chỉ khi cả người dân và ngành công nghiệp cùng nỗ lực và giảm mức tiêu thụ khí đốt ít nhất 20%. 

Tháng trước, các ngành công nghiệp của Đức đã giảm tiêu thụ 27,4%, các hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân thậm chí còn tốt hơn với 42%. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng điều này là nhờ thời tiết ấm áp và có thể thay đổi trong trường hợp trời trở lạnh sâu.

Tính đến ngày 2.11, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức đã đầy 99,3%; đủ để duy trì nguồn cung khí đốt cho nước này trong 10 tuần.

Đức, cùng với các quốc gia EU khác, đã và đang giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Theo Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, thị phần khí đốt của Nga trong số năng lượng nhập khẩu của Đức gần đây đã giảm xuống còn 6-8%, trong khi vào năm 2021, hơn một nửa nguồn cung cấp khí đốt của Đức là từ Nga.

Để bù đắp sự thiếu hụt, Berlin đã tập trung vào việc xây dựng nhà ga khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Quốc gia này sẽ có hai nhà máy tái định hóa nổi để tiếp nhận LNG từ đường biển vào cuối năm nay và hai nhà máy nữa vào tháng 5 năm 2023. Tổng công suất hàng năm của các nhà máy ước tính khoảng 33 tỉ mét khối.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn