MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Armin Papperger, CEO hãng Rheinmetall của Đức. Ảnh: AP

EU khó có thể dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh

Ngọc Vân LDO | 02/04/2024 18:58

EU không còn có thể mong đợi Mỹ bảo vệ an ninh cho lục địa này, theo giám đốc tập đoàn quốc phòng khổng lồ Rheinmetall của Đức.

Giám đốc điều hành của Rheinmetall cảnh báo, nếu xung đột xảy ra, Mỹ sẽ tập trung vào châu Á và các thành viên NATO ở châu Âu sẽ “hoàn toàn đơn độc”.

Tờ Financial Times đưa tin, ông Armin Papperger - người đứng đầu tập đoàn quốc phòng khổng lồ Rheinmetall của Đức tuyên bố - Washington đã gửi một thông điệp rõ ràng tới các thành viên NATO ở châu Âu rằng họ không còn có thể dựa vào sự bảo vệ quân sự của nước này nữa.

Trong nhiều thập kỷ, EU coi việc Mỹ sẽ đến giải cứu họ trong trường hợp xảy ra chiến tranh là điều đương nhiên, nhưng “điều đó sẽ không xảy ra nữa” - Giám đốc điều hành Armin Papperger nói với tờ Financial Times. Ông nhận định, việc Quốc hội Mỹ không chấp thuận tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraina là một tín hiệu gửi tới châu Âu rằng Mỹ không sẵn sàng chi trả cho an ninh của lục địa già.

Điều 5 Hiến chương NATO quy định rằng "một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc nhiều quốc gia ký kết hiệp ước được coi là một cuộc tấn công đối với tất cả các quốc gia ký kết hiệp ước". Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đặt ra nghi vấn về Điều 5 này, lập luận rằng Mỹ bảo vệ các thành viên NATO chỉ khi họ đáp ứng các nghĩa vụ chi tiêu quân sự.

Ông Trump tuyên bố đã nói như vậy với một nhà lãnh đạo châu Âu khi còn đương chức. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi những phát biểu này là "nguy hiểm" và "phi Mỹ".

Theo ông Papperger, nếu ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, “áp lực sẽ cao hơn” đối với Đức, nhưng rủi ro vẫn sẽ hiện hữu bất kể ai thắng cử tổng thống.

Ông Papperger nói: “Mỹ tập trung nhiều vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương hơn là châu Âu. Nếu một cuộc xung đột vũ trang toàn diện nổ ra trong khu vực, Mỹ sẽ tập trung vào châu Á và khi đó châu Âu sẽ hoàn toàn đơn độc”.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell (phải) phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Antony Blinken tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C, ngày 13.3.2024. Ảnh: AP

Papperger cho biết, lời cảnh báo của ông đối với các quốc gia châu Âu bắt nguồn từ nhận thức lâu dài của ông về thế giới là “nguy hiểm”.

Nhận thức đó cũng đã định hình phản ứng của ông đối với cuộc khủng hoảng Ukraina và ý định tăng cường sản xuất vũ khí của EU. Financial Times lưu ý, không giống như những người đứng đầu các nhà sản xuất lớn khác, ông Papperger không ngần ngại đầu tư vào việc mở rộng sản xuất.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraina nổ ra vào năm 2022, giá cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Dusseldorf đã tăng gấp 5 lần. Rheinmetall đã công bố kế hoạch mở các nhà máy sản xuất áo giáp và đạn dược ở Ukraina, bất chấp nguy cơ chúng trở thành mục tiêu của lực lượng Nga.

Ukraina và những người ủng hộ phương Tây tuyên bố, chiến thắng của Nga trong cuộc xung đột sẽ khiến các thành viên NATO ở châu Âu bị Mátxcơva tấn công trong tương lai. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước gọi lập luận này là “đơn giản là điên rồ”, khi xét đến lợi thế lớn về chi tiêu quân sự của khối NATO do Mỹ đứng đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn