MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Xinhua

EU lo ông Donald Trump quay lại làm tổng thống Mỹ

Ngọc Vân LDO | 11/12/2023 07:24

Lo ngại việc ông Donald Trump có thể quay lại làm tổng thống Mỹ, các nước EU được cho là đã cử đặc phái viên tới Mỹ để tìm hiểu lập trường của cựu tổng thống về NATO.

Tờ New York Times đưa tin, các nhà ngoại giao EU và các quan chức viện nghiên cứu được cho là đã liên hệ với các cộng sự của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump để tìm hiểu xem liệu ông có rút Mỹ ra khỏi NATO nếu trở lại Nhà Trắng hay không.

Chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Ông Donald Trump là ứng cử viên nặng ký của Đảng Cộng hòa dù chưa được đề cử và đang dẫn trước Tổng thống Joe Biden trong hầu hết các cuộc thăm dò.

Trong những tuần gần đây, một loạt cựu quan chức chính quyền ông Trump và các chuyên gia chống lại ông đã tuyên bố rằng, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông sẽ báo trước sự sụp đổ của NATO, và sự hoảng loạn đó được cho là đã lan sang EU.

Tờ New York Times dẫn các nguồn tin cho hay, các đại sứ châu Âu và các chuyên gia nghiên cứu đã đến Mỹ, liên hệ với các cộng sự của ông Trump để hỏi về ý định của cựu tổng thống.

Theo New York Times, những quan chức này bao gồm Đại sứ Phần Lan tại Mỹ Mikko Hautala - người mà tờ báo cho biết đã “liên hệ trực tiếp với ông Trump và tìm cách thuyết phục ông về giá trị của Phần Lan đối với NATO trong tư cách là thành viên mới”.

Tờ New York Times trích dẫn các cuộc phỏng vấn với các nhà ngoại giao hiện tại và trước đây cho hay, các quốc gia khác cố gắng giành được sự ủng hộ của ông Trump bằng “những lời khen ngợi và ca tụng xã giao”.

Ông Trump không đe dọa rút Mỹ ra khỏi NATO. Tuy nhiên, ông đã dành cả nhiệm kỳ tổng thống của mình để chỉ trích các thành viên châu Âu của khối, cáo buộc họ “ăn bám” sự hiện diện quân sự khổng lồ của Mỹ trên lục địa này trong khi không đáp ứng được mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng.

Ông Trump đã sử dụng các hội nghị thượng đỉnh hàng năm của NATO để hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu tăng cường chi tiêu quân sự, và theo cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, hồi năm 2018, ông Trump định tuyên bố Mỹ rút khỏi NATO.

Cố vấn an ninh quốc gia cuối cùng của ông Donald Trump là Robert O’Brien và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói với tờ New York Times rằng, những bất bình liên quan đến NATO của cựu tổng thống nên được xem như một chiến thuật đàm phán, nhằm mục đích thúc ép các thành viên châu Âu cam kết chi nhiều tiền hơn cho khối.

Trong một tuyên bố với tờ New York Times, ông Trump viết “mọi tổng thống Mỹ có nghĩa vụ đảm bảo rằng, các liên minh của Mỹ là để bảo vệ người dân Mỹ và không liều lĩnh gây nguy hiểm cho máu và tài sản của người Mỹ”. Ông Trump đồng thời nói thêm, “ưu tiên cao nhất” của ông là “bảo vệ của đất nước chúng ta, biên giới của chúng ta, các giá trị của chính chúng ta và con người của chính chúng ta”.

Tuyên bố như vậy phù hợp với quan điểm lâu nay của ông Trump rằng, quân đội Mỹ không nên là “cảnh sát của thế giới”. Ông Trump là tổng thống Mỹ duy nhất trong lịch sử hiện đại không tham gia vào một cuộc chiến tranh mới ở nước ngoài.

Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng của ông Trump, Marc Esper, nói với MSNBC rằng, chủ nghĩa chống can thiệp này rốt cục sẽ dẫn đến sự sụp đổ của NATO. Esper tuyên bố, nếu ông Trump rút hỗ trợ quân sự cho Ukraina, “toàn bộ nỗ lực hỗ trợ Ukraina trong cuộc xung đột với Nga cuối cùng sẽ sụp đổ”, và chính liên minh cũng sẽ sụp đổ nếu sau đó ông Trump bắt đầu rút quân khỏi châu Âu.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraina “trong vòng 24 giờ” sau khi nhậm chức, ám chỉ rằng, ông sẽ sử dụng viện trợ quân sự làm đòn bẩy, cắt đứt cung cấp vũ khí để buộc Kiev phải ngồi vào bàn đàm phán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn