MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đức có kho dự trữ khí đốt lớn nhất EU. Ảnh chụp màn hình

EU nỗ lực hòa giải trước khi tính kiện Đức ra tòa

Ngọc Vân LDO | 24/05/2024 16:46

EU nỗ lực đàm phán với Đức sau khi dọa kiện nước này ra tòa nếu Berlin không thay đổi thuế khí đốt gây tranh cãi.

Reuters đưa tin, Ủy ban châu Âu ngày 23.5 cho biết đang tiếp tục đàm phán với Đức về thuế khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) cho rằng sẽ làm suy yếu thị trường năng lượng châu Âu.

Thuế khí đốt của Đức - vốn tính thêm phí cho các nước láng giềng khi mua khí đốt từ kho lưu trữ của nước này - đã vấp phải sự chỉ trích từ một số nước EU.

Các nước này cho rằng, thuế của Đức làm tổn hại đến nỗ lực của họ trong việc loại bỏ khí đốt Nga, khi phải mua khí đốt của Đức với giá đắt đỏ.

Theo các nguồn tin của Reuters, tháng trước Ủy ban châu Âu đã chuẩn bị hành động pháp lý để kiện Đức về vấn đề này.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu không bình luận về hành động pháp lý tiềm năng nhưng cho biết, hiện tại, các cuộc đàm phán với chính phủ Đức vẫn đang tiếp tục.

Người phát ngôn nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Ủy ban đã khuyến khích Đức đưa ra giải pháp loại bỏ những trở ngại này và không cản trở nỗ lực của các quốc gia thành viên EU nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của Nga”.

Bộ Kinh tế và Khí hậu Đức không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Trước đó, Bộ cho biết mức thuế này không mang tính phân biệt đối xử và các nước EU khác đã được hưởng lợi từ việc Đức nhanh chóng lấp đầy kho khí đốt khổng lồ của mình.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu nói rằng, Cao ủy EU về năng lượng, bà Kadri Simson đã viết thư cho Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck, kêu gọi Berlin giải quyết vấn đề này.

Bà Simson trước đây đã lưu ý rằng, khoản thuế của Đức gây nguy hiểm cho sự đoàn kết của khối và làm suy yếu thị trường khí đốt của EU. Các quy tắc thị trường chung của EU cấm thuế quan đối với hàng hóa giữa các nước thành viên.

Đức áp dụng thuế khí đốt từ tháng 10.2022. Ảnh: Hội đồng Đối ngoại Đức

Theo luật của EU, Ủy ban châu Âu có thể tiến hành thủ tục pháp lý khi tin rằng một quốc gia vi phạm các quy định của EU. Quá trình này có thể dẫn đến các hình phạt tài chính, mặc dù thường phải mất vài tháng, thậm chí nhiều năm và bắt đầu với một số yêu cầu tuân thủ từ EU trước khi tòa án vào cuộc.

Mấu chốt của tranh chấp pháp lý là thị trường chung của EU cho phép hàng hóa tự do di chuyển trong toàn khối. Khái niệm này là cốt lõi đối với bản sắc và nền kinh tế của EU, cho phép các doanh nghiệp và các quốc gia dễ dàng cạnh tranh xuyên biên giới.

Thuế quan của Đức là di sản của cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu vốn lên đến đỉnh điểm vào năm 2022 sau khi Nga cắt giảm dòng khí đốt sang châu Âu.

Để thu lại hàng tỉ euro đã chi để mua khí đốt không phải của Nga với giá cao nhằm lấp đầy kho dự trữ lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong EU, Đức đã đưa ra cái mà họ gọi là "thuế bổ sung" đối với việc bán khí đốt cho các nước láng giềng. Khoản thuế bổ sung này đã tăng hơn gấp 3 lần kể từ khi được áp dụng vào tháng 10.2022.

Cộng hòa Czech, Áo, Slovakia và Hungary đã thúc đẩy Ủy ban châu Âu hành động chống lại khoản thuế của Đức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn