MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quan hệ giữa Mỹ và EU đã xấu đi kể từ khi Tổng thống Donald Trump gặp các nhà lãnh đạo NATO tại Brussels, tháng 5.2017. Ảnh: Bloomberg

EU sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất

NGẠC NGƯ LDO | 21/05/2018 14:00
EU hiện đồng thời phải đối phó Mỹ trong 2 chuyện như thể phải vừa phòng ngự, vừa chuẩn bị sẵn sàng phản công trên 2 chiến tuyến là xung khắc thương mại với Mỹ do phía Mỹ thực thi những biện pháp bảo hộ thương mại, và khả năng bị phía Mỹ áp đặt cái gọi là các biện pháp trừng phạt thứ cấp liên quan đến hậu quả và hệ luỵ của việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran.

Đối phó thương mại với Mỹ

Trong cả 2 vấn đề này, sách lược của EU là nỗ lực vận động thuyết phục Mỹ lưu ý đến những lợi ích chính đáng và quan ngại sâu sắc của EU mà không áp thuế quan bảo hộ đối với sản phẩm hàng hoá của EU xuất khẩu vào thị trường Mỹ, và không áp dụng những biện pháp trừng phạt thứ cấp nói trên.

Song song với đó, EU còn vừa dùng việc thể hiện quyết tâm không chấp nhận những điều kiện áp đặt của Mỹ để cảnh báo và răn đe Mỹ, lại vừa chuẩn bị sẵn sàng hành động cho trường hợp xảy ra kịch bản tồi tệ nhất là buộc phải ăn miếng trả miếng với Mỹ.

Về chuyện thương mại, do phía Mỹ không sẵn sàng tiến hành thương thảo với EU - không giống như Mỹ đã và đang làm với Trung Quốc và một số đối tác khác - nên EU đã trình lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) danh sách những sản phẩm hàng hoá của Mỹ mà EU dự định sẽ áp thuế quan bảo hộ trong trường hợp trả đũa Mỹ.

Thông điệp của EU là Mỹ sẽ phải trả giá thích đáng cho chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ đối với EU và kỳ vọng của EU là tác động răn đe từ đó sẽ buộc phía Mỹ phải suy tính lại. Nhưng đồng thời, EU cũng đi những bước đi cần thiết ban đầu theo quy định của WTO để có thể khởi kiện Mỹ tại toà án trọng tài của WTO.

Danh sách của EU bao trùm rất nhiều sản phẩm hàng hoá của Mỹ gộp chung lại không lớn về giá trị xuất khẩu nhưng lại rất nhạy cảm về chính trị nội bộ đối với ông Donald Trump và Đảng Cộng hoà, bởi đa phần đều có xuất xứ nguồn gốc ở những vùng miền trên đất Mỹ, nơi mà cử tri có truyền thống ủng hộ Đảng Cộng hoà. Đầu tháng 11 tới này, ở nước Mỹ sẽ có cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ và mục tiêu của ông Donald Trump cùng Đảng Cộng hoà là bảo vệ quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội.

Sách lược của EU là làm cho dân ở những vùng miền kia bị thiệt hại hoặc thấy trước là sẽ bị thiệt hại để họ sẽ gây áp lực với ông Donald Trump không áp dụng những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại với EU nữa. Chậm nhất đến ngày 1.6 tới này, ông Donald Trump phải quyết định áp thuế quan bảo bộ hay không đối với EU và sau đó EU phải quyết định đối sách.

Lợi ích của EU trong thỏa thuận hạt nhân Iran

Về chuyện với Iran, EU có lợi ích thiết thực và chiến lược trong việc duy trì thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Sau khi không thành công với việc thuyết phục ông Donald Trump không rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận này, EU nỗ lực thương thảo với Iran về việc duy trì thoả thuận.

Vấn đề ở chỗ Mỹ lại trừng phạt Iran như trước thoả thuận và trừng phạt cả những đối tác thứ ba có quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và tài chính với Iran (trừng phạt thứ cấp). Như thế có nghĩa là, Mỹ sẽ không để EU tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với Iran.

Từ khi có thoả thuận đến nay, các doanh nghiệp của EU đã đầu tư nhiều chục tỉ euro vào Iran và đang thực hiện nhiều dự án hợp tác kinh tế và thương mại lớn với Iran. EU không thể không bảo vệ những lợi ích thiết thực này. Iran đã đặt ra cho EU thời hạn 60 ngày để có những đảm bảo chắc chắn là lợi ích của Iran không bị tổn hại gì nếu phía Iran tiếp tục tuân thủ thoả thuận.

Tại hội nghị cấp cao vừa rồi ở Sofia (Bulgaria), EU đã tính đến 3 cách đối phó với những biện pháp trừng phạt thứ cấp của phía Mỹ. Thứ nhất là việc vận dụng 1 bộ luật đã có từ lâu nhưng chưa từng được vận dụng lần nào trên thực tế, với nội dung là cấm các doanh nghiệp và cá nhân trong EU tuân thủ luật của Mỹ. Luật này có tên gọi là Blocking-Regulation Nr. 2271/96.

Năm 1996, EC đã doạ sẽ vận dụng luật này khi phía Mỹ dự định trừng phạt những doanh nghiệp và cá nhân trong EC hợp tác với Cuba. Tổng thống Mỹ khi ấy là Bill Clinton vì thế đã chịu nhượng bộ EC. Ông Clinton khi xưa hành xử thế chứ chắc chắn ông Donald Trump bây giờ sẽ không chịu lùi.

Thứ hai, EU dự tính sẽ thành lập 1 ngân hàng thanh toán mới với cơ chế thanh toán mới để xử lý chuyện thanh toán, giao dịch tiền tệ với Iran mà không bị ảnh hưởng bởi Mỹ phong toả Iran giao dịch quốc tế bằng đồng USD.

Thứ ba, EU sử dụng những doanh nghiệp có sự tham gia vốn của nhà nước để liên doanh với Iran. Phía ông Donald Trump có thể trừng phạt doanh nghiệp tư nhân và cá nhân trong EU nhưng không thể trừng phạt nhà nước thành viên của EU. Cả trong chuyện này, giữa Mỹ và EU tới đây sẽ còn có những diễn biến bất ngờ mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn