MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

EU tranh cãi về giá trần khí đốt

Song Minh LDO | 25/11/2022 07:25

Ngày 24.11, các bộ trưởng năng lượng của EU nhóm họp để thảo luận về đề xuất giá trần khí đốt nhắm vào toàn bộ khí đốt mà Châu Âu nhập khẩu chứ không phải chỉ đối với khí đốt của Nga.

Một số quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã chỉ trích mức giá trần khí đốt 275 euro (283 USD) mỗi megawatt giờ (MWh) mà Ủy ban Châu Âu đề xuất là quá cao.

Đưa ra mức trần đối với khí đốt là một trong những biện pháp gây tranh cãi ở Châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina. Vào cuối tháng 10, lãnh đạo 27 nước thành viên EU ủng hộ ý tưởng giá trần sau nhiều tháng thảo luận. Tuy nhiên, một số quốc gia đang yêu cầu các biện pháp bảo vệ cụ thể trước khi bật đèn xanh cho đề xuất này, trong khi những quốc gia khác cho rằng, mức trần quá cao.

"Giới hạn giá ở mức mà Ủy ban Châu Âu đang đề xuất trên thực tế không phải là giá trần" - CNBC dẫn lời Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Hy Lạp Kostas Skrekas nói, vài giờ sau khi Ủy ban Châu Âu đưa ra mức giá đề xuất. Theo Bộ trưởng Skrekas, 275 euro/MWh không phải là giá trần bởi không ai có thể chịu được việc mua khí đốt ở mức giá đắt đỏ này trong một thời gian dài. Ông Skrekas tin rằng, giá trần từ mức 150 đến dưới 200 euro/MWh sẽ thực tế hơn.

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribeca cho rằng mức giá trần khí đốt mà EU đề xuất sẽ chỉ khiến giá khí đốt tăng cao hơn, cản trở những nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng lên mức cao nhất trong hàng thập kỷ. Bộ Chuyển đổi năng lượng Pháp bình luận, mức giá đề xuất này của EU là chưa đủ và không đáp ứng được thực tế trên thị trường. Theo bộ này, Ủy ban Châu Âu phải đề xuất một mức giá có thể áp dụng được chứ không phải mức giá mang lại tác động tiêu cực hoặc không có tác động nào cả.

Mặc dù chỉ trích giá trần cao, song Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ba Lan và Bỉ nằm trong số các quốc gia ủng hộ áp dụng giá trần. Hà Lan và Đức - những nước e ngại nhất việc áp giá trần khí đốt - tỏ ra hoài nghi về lợi ích của biện pháp này và hiện vẫn chưa thể hiện quan điểm ủng hộ hay phản đối mức giá 275 euro/MWh mà Ủy ban Châu Âu đề xuất. Do đó, theo một quan chức EU, cuộc họp của Bộ trưởng Năng lượng các nước EU ngày 24.11 "dự kiến sẽ rất gay cấn", bởi sẽ rất khó có một chính sách năng lượng đáp ứng được với đòi hỏi và lợi ích của tất cả 27 nước thành viên EU. Cũng chính quan chức này cho hay, Ủy ban Châu Âu cần đưa ra những đảm bảo hơn nữa rằng biện pháp này sẽ không bóp méo thị trường.

Europex - nhóm các sàn giao dịch năng lượng ở Châu Âu - cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về cơ chế điều tiết thị trường, vì nó có thể ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính, cũng như an ninh nguồn cung.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 22.11, Cao ủy EU về năng lượng Kadri Simson cho biết, đề xuất (được gọi là cơ chế điều tiết thị trường) là “cân bằng” và nó sẽ giúp Liên minh Châu Âu tránh được tình trạng giá quá cao, đảm bảo rủi ro tối thiểu đối với nguồn cung.

Theo bà Simson, cơ chế điều tiết thị trường sẽ được tự động kích hoạt khi giá khí đốt vượt quá 275 euro/MWh trong 2 tuần liên tiếp, và chênh lệch giữa giá khí đốt hợp đồng tương lai trên sàn TTF ở Hà Lan và giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu ở mức trên 58 euro trong 10 ngày giao dịch liên tiếp.

Bà Kadri Simson không công bố công thức tính toán cụ thể để đưa ra mức giá 275 euro/MWh, nhưng các chuyên gia năng lượng cho rằng mức giá này nằm giữa mức giá kỷ lục giao dịch trên sàn TTF cuối tháng 8.2022 là gần 350 euro/MWh và giá hiện tại đang dao động quanh mức 125 euro/MWh.

“Đây không phải là một viên đạn bạc, nhưng là một công cụ mạnh mẽ mà chúng ta có thể sử dụng khi cần và được đưa ra như giải pháp cuối cùng” - bà Simson nói trong cuộc họp báo hôm 22.11.

Các đề xuất sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng EU ngày 24.11. Nếu  được thông qua, EU sẽ áp mức giá trần khí đốt này vào tháng 1.2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn