MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP

EU tuyên bố phải hành động chống lại kế hoạch của Mỹ

Ngọc Vân LDO | 05/12/2022 09:38
Kế hoạch đầu tư của Mỹ có thể đe dọa ngành công nghiệp của EU nên Liên minh Châu Âu tuyên bố cần phải hành động.

Ngày 4.12, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU phải hành động để tái cân bằng thị trường trong bối cảnh lo ngại về gói trợ cấp năng lượng xanh mới của Mỹ.

Kế hoạch trị giá 430 tỉ USD (408 tỉ euro) của Mỹ - được đặt tên là Đạo luật giảm lạm phát (IRA) - nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, giảm chi phí thuốc men cho người già và giảm giá năng lượng. Bên cạnh đó, đạo luật cũng cung cấp các khoản trợ cấp lớn và giảm thuế hào phóng khi mua các sản phẩm do Mỹ sản xuất.

Chỉ những quốc gia đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ, như Canada và Mexico, mới có thể hưởng lợi từ các khoản trợ cấp.

Điều này đã gây ra những lo ngại ở EU rằng đạo luật có thể gây bất lợi cho các công ty Châu Âu - từ các công ty sản xuất ôtô đến các nhà sản xuất công nghệ xanh.

Reuters dẫn lời bà von der Leyen phát biểu tại thành phố Bruges của Bỉ rằng EU phải "hành động để tái cân bằng sân chơi - nơi IRA hoặc các biện pháp khác tạo ra sự biến dạng". EU cần làm việc với Washington "để giải quyết một số khía cạnh đáng lo ngại nhất của đạo luật".

Tuy nhiên, bà von der Leyen cho biết Brussels cũng phải "điều chỉnh" các quy tắc của riêng mình để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư công trong quá trình chuyển đổi môi trường và "đánh giá lại nhu cầu tài trợ thêm của Châu Âu cho quá trình chuyển đổi".

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Thương mại của Nghị viện Châu Âu, Bernd Lange, nói EU nên đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về IRA - đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 8.

"Tôi không nghĩ sẽ có nhiều thay đổi về bản chất, bởi vì luật đã được thông qua" - ông Lange nói.

Tổng thống Joe Biden ký ban hành Đạo luật giảm lạm phát năm 2022. Ảnh: AFP

Theo các nhà lãnh đạo EU, 200 tỉ euro trong IRA gắn với các điều khoản cho sản xuất trong nước của Mỹ có khả năng vi phạm các quy tắc của WTO.

Liên minh Châu Âu cho hay không thể cạnh tranh với các khoản giảm thuế của Mỹ, vì bị ràng buộc bởi viện trợ của EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả các khoản trợ cấp là "siêu gây gổ" và có thể "chia rẽ phương Tây". Tuy nhiên, Tổng thống Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ nỗ lực không để các khoản trợ cấp gây ra tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương lớn hơn, mặc dù các nhà lập pháp Đảng Dân chủ tuyên bố không có kế hoạch thay đổi IRA.

Tại Đức, trong khi Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck kêu gọi EU phản ứng "mạnh mẽ" đối với các khoản trợ cấp mới của Mỹ, thì Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner cảnh báo không nên tham gia vào cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Chỉ ra rằng nền kinh tế Đức có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường Mỹ, ông Lindner cho hay Berlin nên "dựa vào ngoại giao kinh tế" để bảo vệ lợi ích thương mại của mình.

Chính phủ Đức nói muốn tạo ra một hiệp ước EU - Mỹ để loại bỏ thuế quan công nghiệp, hy vọng sẽ tránh được một cuộc chiến đấu thầu về trợ cấp và thuế quan bảo hộ.

Các quan chức Mỹ và EU dự kiến ​​sẽ giải quyết vấn đề này tại một cuộc họp vào tuần tới. Tuy nhiên, theo ông Lange, sẽ không có gì đáng kể từ các cuộc đàm phán này, do đó EU nên tăng cường hỗ trợ cho ngành công nghiệp Châu Âu.

Trong khi đó, Cao ủy EU về thị trường nội địa Thierry Breton, nói rằng hành động của Mỹ sẽ tạo ra sự mất cân bằng cạnh tranh, gây bất lợi cho các công ty EU. Ông kêu gọi thành lập quỹ chủ quyền Châu Âu để hỗ trợ các dự án công nghiệp trong khối.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn