MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phòng họp thượng đỉnh của Hội đồng Châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 20.2.2020. Ảnh: AFP

EU xây dựng boongke tối mật mới "đề phòng Nga"

Song Minh LDO | 10/07/2022 10:10
Liên minh Châu Âu (EU) đang chi 8 triệu euro để xây dựng một boongke an toàn ở Brussels, nơi các nhà lãnh đạo có thể gặp nhau trong bí mật.

Tờ EUobserver đưa tin, boongke sẽ được cách điện để ngăn ngừa sự can thiệp điện tử. Điện thoại, đồng hồ và thậm chí thiết bị trợ thính của các nhà lãnh đạo sẽ bị cấm ở trong hầm chống gián điệp. Các biện pháp như vậy là cần thiết để chống lại “những kẻ nghe trộm của Nga hoặc những người khác” - theo EUobserver. 

EUobserver cho biết, đã được xem tài liệu của EU mô tả dự án, theo đó boongke sẽ được thiết kế để đủ chỗ cho khoảng 100 người, bao gồm tối đa 34 lãnh đạo và nhân viên liên quan. Boongke dự kiến ​​được xây dựng vào năm 2024 tại một địa điểm trong khu phức hợp của Hội đồng Châu Âu ở thủ đô của Bỉ.

Phòng họp trực tiếp có micro có dây để bảo vệ buồng dành cho phiên dịch. Cả phòng họp và các buồng dịch sẽ được bao bọc trong một “lồng cách điện được NATO chứng nhận” để ngăn sóng điện từ và sóng vô tuyến từ bên trong bị lọt ra bên ngoài.

Bất kỳ ai muốn vào, kể cả những người dọn dẹp, sẽ cần được kiểm tra an ninh ở cấp độ “SECRET EU” - mức an ninh cao thứ hai của EU.

Cơ sở này sẽ được rà soát trước và sau các cuộc họp để phát hiện, xác định vị trí và vô hiệu hóa bất kỳ thiết bị nghe lén nào. Bất kỳ ai bước vào sẽ được yêu cầu để lại điện thoại, máy tính xách tay, đồng hồ thông minh, khóa điện tử và thiết bị trợ thính trong tủ đựng đồ cách âm bên ngoài.

EUobserver cho biết, sự tập trung cao độ vào vấn đề an ninh là nhằm ngăn chặn “Nga hoặc các quốc gia khác nghe trộm”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ EU định xây boongke này để đối phó với một mối đe dọa an ninh cụ thể hay vì ý thức cảnh giác chung. 

Các nước thành viên EU riêng rẽ đã cáo buộc Nga hoạt động gián điệp từ rất lâu trước khi Mátxcơva đưa quân vào Ukraina, và việc trục xuất các nhà ngoại giao vì bị cáo buộc làm gián điệp là điều đương nhiên trong quan hệ quốc tế. Vào đầu năm nay, Bỉ đã trục xuất hàng chục điệp viên Nga.

Tuy nhiên, hoạt động gián điệp diễn ra thường xuyên giữa các đồng minh cũng như đối thủ. Năm 2014, Mỹ bị cáo buộc nghe lén 122 nhà lãnh đạo thế giới. Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã tiến hành giám sát trên diện rộng đối với các quan chức cấp cao ở cả Pháp và Đức, theo tài liệu do WikiLeaks phát hành.

Israel và Trung Quốc cũng bị cáo buộc tiến hành các hoạt động giám sát ở Brussels, và EU đã hối thúc Bỉ trong nhiều năm thắt chặt luật gián điệp, vốn cho phép hoạt động gián điệp không bị trừng phạt trong nhiều trường hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn