MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Valdis Dombrovskis trò chuyện với báo giới khi tham dự cuộc họp chính thức của các Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính và các Thống đốc Ngân hàng Trung ương của EU ngày 9.9.2022 tại Praha, Cộng hòa Czech. Ảnh: AFP

EU xem xét lộ trình giảm nợ riêng lẻ cho các nước thành viên

Thanh Hà LDO | 13/09/2022 13:00

Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ trình bày vào nửa cuối tháng 10 đề xuất những thay đổi với các quy tắc tài khóa của Liên minh Châu Âu (EU). Những thay đổi này có khả năng cung cấp cho các quốc gia thành viên những lộ trình riêng để giảm nợ.

Đảm bảo tính bền vững của nợ công 

Trong cuộc họp báo sau khi các bộ trưởng tài chính EU họp ở Czech cuối tuần qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết, mục tiêu chính của các quy tắc, được thiết kế để bảo vệ giá trị của đồng euro, sẽ vẫn là đảm bảo tính bền vững của nợ công.

Những thay đổi này "sẽ đòi hỏi điều chỉnh tài khóa, cải cách cũng như đầu tư”, đồng thời báo hiệu đầu tư của chính phủ có thể sẽ được chú ý nhiều hơn trong quá trình cải cách. “Ba yếu tố đó nên được kết hợp lại để đạt được tỉ lệ nợ công thực tế, giảm dần và bền vững” - ông nói. 

Các quy định của EU yêu cầu nợ công phải dưới 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thâm hụt của chính phủ dưới 3% GDP. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia có số nợ trên 100% GDP, trong đó Hy Lạp là khoảng 185% và Italia khoảng 150%. Trong khi đó, Estonia chỉ nợ 18,1%, Luxembourg 24,4% và Lithuania 44,3%.

“Với mức nợ khác nhau giữa các quốc gia thành viên, không thể có một cách tiếp cận chung cho tất cả. Có thể có nhiều thời gian hơn cho các quốc gia thành viên nhưng trong một bộ quy tắc chung" - ông Dombrovskis nói.

Sự điều chỉnh này là một khác biệt so với quy định hiện tại của EU rằng, mỗi năm các quốc gia thành viên phải cắt giảm 1/20 của khoản nợ vượt trên 60% GDP. Yêu cầu này bị xem là quá tham vọng nhất là với những quốc gia có nợ cao. 

"Các quy tắc phải rõ ràng và phải có khả năng thực thi, tức là quy tắc phải thực tế. Vì vậy, trong bất cứ thay đổi nào chúng tôi thực hiện, chúng tôi phải tính tới thực tế là gì" - Bộ trưởng Tài chính Czech Zbynek Stanjura cho hay. 

Đồng tình với Đức và một số quốc gia phía bắc của EU, Ủy ban Châu Âu dự kiến đề xuất thực thi các quy tắc mạnh mẽ hơn với các trường hợp không tuân thủ bởi thực tiễn trước đây cho thấy việc tuân thủ các quy tắc không phải điều được ưu tiên với một số nước. Ủy ban cũng dự kiến đề xuất đơn giản hóa các quy tắc bằng cách tập trung vào một chỉ số có thể theo dõi được, như tiêu chuẩn chi tiêu - ông Dombrovskis nói. 

Phù hợp với thực tế hậu đại dịch

Theo Reuters, EU đang thảo luận về cách điều chỉnh các quy tắc chi phối ngân sách các quốc gia thành viên trong khu vực đồng euro để phù hợp với thực tế hậu đại dịch. Tình thế hiện tại là nợ công của nhiều nước cao và việc chuyển sang nền kinh tế phát thải bằng không diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí bị thúc đẩy bởi giá năng lượng tăng. 

Quy tắc hiện tại đặt ra rằng, các quốc gia thành viên EU nên giữ thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP. Nếu vượt qua mức trần này, các bộ trưởng tài chính EU cho thành viên đó thời gian để giảm mức thâm hụt. Nếu không đáp ứng được mục tiêu vào thời hạn đặt ra, quốc gia đó có thể bị phạt. 

Các chính phủ nên tìm cách giữ cho phần ngân sách không biến động theo chu kỳ kinh tế. Nếu thâm hụt, họ nên tìm cách giảm 0,5% GDP về cơ cấu - tức không theo chu kỳ - cho đến khi đạt cân bằng hoặc thặng dư. 

Nợ công của các nước thành viên EU không được cao hơn 60% GDP. Nếu nợ công cao hơn mức trên 60%, hằng năm quốc gia đó phải giảm 1/20 mức vượt trần trong vòng 3 năm. Nếu không tuân thủ việc giảm nợ như vậy, chính phủ quốc gia thành viên có thể bị xử lý tương tự như trường hợp để mức thâm hụt quá lớn. 

Với chi tiêu ròng, khi xác định số tiền chi tiêu, các chính phủ nên tuân theo quy tắc: Bất kỳ mức tăng chi tiêu ròng nào cũng không được cao hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế. Theo đó, khi nền kinh tế đang phát triển dưới mức tiềm năng, các chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn và khi tăng trưởng trên mức tiềm năng, chi tiêu công sẽ giảm.

Thông thường, chính phủ các nước trong khu vực đồng euro phải nộp dự kiến ngân sách năm tiếp theo cho Ủy ban Châu Âu trước ngày 15.10 để ủy ban xem xét xem dự thảo có phù hợp với các quy tắc của EU không. Nếu dự thảo ngân sách cho thấy mức thâm hụt cao hơn mức mà chính phủ này đã yêu cầu cắt giảm, Ủy ban Châu Âu có thể yêu cầu sửa đổi.

Ủy ban Châu Âu kiểm tra hằng năm để đảm bảo các nền kinh tế khu vực đồng euro không phát triển mất cân bằng nguy hiểm, như để xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản, các vấn đề trên thị trường lao động, thâm hụt hoặc thặng dư lớn trên tài khoản vãng lai của một quốc gia... Ủy ban có thể yêu cầu một quốc gia cải thiện khi xảy ra tình trạng mất cân bằng như vậy và nếu khuyến nghị của ủy ban bị phớt lờ, quốc gia thành viên đó có thể bị phạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn