MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp Dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: NAM NGUYÊN

EVFTA và EVIPA-cơ hội vàng để Việt Nam đón làn sóng dịch chuyển đầu tư

Ngọc Vân LDO | 09/06/2020 09:00

Trả lời câu hỏi của Lao Động, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti khẳng định, với việc Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVIPA), Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mạnh mẽ hơn cũng như đón làn sóng dịch chuyển toàn cầu sau đại dịch COVID-19.

Sự kiện mang tính lịch sử
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti. Ảnh: VÂN ANH
Đại sứ Giorgio Aliberti cho rằng, việc Quốc hội Việt Nam ngày 8.6 thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA là sự kiện mang tính lịch sử trong quan hệ Việt Nam-EU. Quốc hội Việt Nam thông qua với đa số phiếu, tương tự như kết quả đa số phiếu Nghị viện Châu Âu thông qua, đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của hai bên. Đại sứ chia sẻ cảm xúc vui mừng trước “thời khắc lịch sử” sau 10 năm đàm phán, nói rằng đây không phải là thành tựu của một cá nhân, mà là nỗ lực tập thể của nhiều người tiền nhiệm sau một chặng đường cố gắng bền bỉ.

Theo Đại sứ Giorgio Aliberti, hai hiệp định là yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU. Đại sứ nhấn mạnh đến những lợi ích cụ thể mà Việt Nam sẽ được thụ hưởng, đó là người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận các sản phẩm tiêu chuẩn cao của EU với giá cả phải chăng hơn; các nhà sản xuất của Việt Nam được tiếp cận thị trường tiêu chuẩn cao và có sức mua lớn; doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thúc đẩy khả năng cạnh tranh và xuất khẩu hàng hoá; tiêu chuẩn lao động cao mang lại giá trị cho người lao động, cùng những tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Đại sứ Giorgio Aliberti cho biết, EVFTA dự kiến đi vào thực thi từ ngày 1.8.2020 và ngay từ ngày đầu tiên hiệp định có hiệu lực, thuế suất sẽ giảm về 0% với khoảng 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam và sau 7 năm thì gần như toàn bộ thuế sẽ được xoá bỏ. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, dự kiến EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4%, xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, đồng thời có thêm từ 100.000-800.000 người thoát nghèo. 

Tuy nhiên, Đại sứ Giorgio Aliberti cho rằng, trên thực tế mọi việc diễn ra thế nào, những “lợi ích động” (lợi ích có được từ phát triển kinh tế) mà Việt Nam có được ra sao, phụ thuộc vào việc Việt Nam thực thi hiệp định đến đâu và cải cách thế nào. “Lợi ích động chỉ có thể xảy ra khi có đầu tư, mà đầu tư chỉ đến sau khi có thương mại mạnh. Vậy hãy bắt đầu bằng cách tăng mối quan hệ thương mại mạnh mẽ giữa Việt Nam và EU. Tôi có thể khẳng định rằng đầu tư chất lượng cao của EU sẽ làm thay đổi cuộc chơi, giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi các giá trị cao trên toàn cầu” - Đại sứ nhấn mạnh.

Trao đổi với Lao Động, Đại sứ cho rằng, các chính sách thu hút đầu tư của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là đầu tư chất lượng cao, cần đặt trong bối cảnh có sức hút toàn diện chứ không chỉ ưu đãi giảm thuế cho doanh nghiệp. Quan trọng là, các chính sách cần được xây dựng mang tính đa chiều để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn, minh bạch trong thủ tục hành chính và thực thi chính sách, có tính đoán định được và có cơ chế để giải quyết tranh chấp. Từ góc độ các nhà đầu tư Châu Âu, việc ra quyết định đầu tư vào đâu là một quá trình phức tạp và phải đảm bảo những lợi ích mong đợi của họ. 

Trước làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19 - mà Việt Nam được coi là một điểm đến của làn sóng dịch chuyển tiềm năng - Đại sứ cho rằng EVFTA giúp Việt Nam có thêm lợi thế lớn trong khu vực. Trong ASEAN, ngoài Singapore có FTA với EU (nhưng nền kinh tế Singapore ở trình độ phát triển khác và nghiêng về dịch vụ là chính), thì Việt Nam là nước có lợi thế số một xét về khía cạnh tiếp cận thị trường EU. “Tôi đánh giá Việt Nam sẽ có cơ hội tích cực để tham gia chuỗi các giá trị toàn cầu mạnh mẽ hơn. Sau COVID-19, đây là cơ hội vàng với Việt Nam để nắm bắt lợi thế lớn khi EVFTA đi vào thực thi”.

Không nên tự mãn

Đại sứ cũng nhắc nhở rằng mặc dù Việt Nam có lợi thế lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không nên tự mãn và cần nắm bắt cơ hội để gia tăng tỉ trọng thương mại lớn hơn trong tương lai. Đại sứ đưa ra ví dụ, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng trong giai đoạn từ 2001-2018, nhưng đặt trong tỉ trọng toàn cầu thì đang dần nhỏ đi.

Đại sứ cũng nhấn mạnh về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá Việt Nam khi EVFTA được thực thi, cụ thể hàng hoá muốn xuất khẩu vào EU và được hưởng ưu đãi thuế quan phải đáp ứng tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ nội khối, nghĩa là nguyên phụ liệu sản xuất ra sản phẩm phải có nguồn gốc từ Việt Nam, EU hoặc các quốc gia khác đã có hiệp định thương mại tự do với EU.

Ngoài ra, Đại sứ lưu ý, hàng rào thuế quan không còn nhưng không có nghĩa là hàng hóa Việt Nam tự do vào EU, bởi các rào cản phi thuế quan mới thực sự là thách thức. Do đó, cả Việt Nam và EU đều phải có các điều khoản cụ thể để hạ hàng rào phi thuế quan, có trách nhiệm thực hiện các cam kết để nó không trở thành rào cản. Ngoài những cơ hội, EVFTA cũng mang đến những thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đó là phải cải thiện xuất khẩu, sản xuất hàng hoá chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn về lao động, môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn