MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
FDI 9 tháng đầu năm 2021 vào Việt Nam đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: AFP

FDI trên khắp Châu Á vẫn phục hồi bất chấp đại dịch kéo dài

Song Minh LDO | 04/10/2021 16:02

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Châu Á vẫn là một điểm sáng trong bối cảnh FDI trên toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đại dịch COVID-19 so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Theo tờ Business Times, Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hồi tháng 9.2021 cho thấy, dòng vốn FDI toàn cầu giảm 1/3 từ 1,5 nghìn tỉ USD năm 2019 xuống 1 nghìn tỉ USD năm 2020. Trên thực tế, dòng vốn FDI năm 2020 thấp hơn 20% so với năm 2009, do việc đóng cửa và viễn cảnh suy thoái kinh tế đã khiến nhiều công ty trên thế giới phải đánh giá lại kế hoạch đầu tư của họ.

Trong bối cảnh đó, bất chấp tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, Châu Á vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với FDI. Báo cáo của UNCTAD cho thấy dòng vốn FDI vào Châu Á năm 2020 tăng 4% lên 535 tỉ USD, trong đó dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đạt 149 tỉ USD so với 141 tỉ USD vào năm 2019.

Tăng trưởng FDI ở Châu Á dự kiến ​​sẽ tiếp tục, với mức tăng từ 5 đến 10% hàng năm trong năm 2021. Theo báo cáo của UNCTAD, động lực này được thúc đẩy bởi "thị trường đang phát triển, liên kết khu vực và toàn cầu sâu rộng cùng môi trường đầu tư nhìn chung vẫn mở bất chấp đại dịch".

Ở khu vực ASEAN, mặc dù dòng vốn FDI bị sụt giảm nhưng triển vọng của ASEAN vẫn sáng sủa. Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm tất cả các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, được kỳ vọng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính khi khối thương mại trở nên hội nhập kinh tế hơn. Tại Việt Nam, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng FDI 9 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Về tăng trưởng các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng, các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng trên toàn cầu đã giảm 40% xuống còn 27 tỉ USD - mức thấp nhất trong 8 năm. Đối với Châu Á, trải nghiệm này ngược lại. Châu Á là khu vực duy nhất tăng trưởng về số lượng và giá trị của các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng. Chẳng hạn tại Việt Nam, ExxonMobil của Mỹ đã đề xuất đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG trị giá 5 tỉ USD, trong khi Delta Offshore Energy (Singapore) cũng sẽ thiết lập một cơ sở sản xuất điện LNG trị giá 4 tỉ USD.

Bất chấp sự suy giảm chi tiêu trên toàn cầu, FDI của ASEAN vào các nguồn năng lượng tái tạo cũng sẽ tăng hơn nữa khi khu vực cam kết rà soát và chuyển đổi hỗn hợp năng lượng - B.Grimm, nhà sản xuất điện tư nhân của Thái Lan cho hay. B.Grimm đang xây dựng một nhà máy điện mặt trời ở Việt Nam, được coi là một trong những nhà máy lớn nhất trong khu vực. Impact Electrons Siam cũng đang phát triển một trang trại gió 600MW ở Lào, đây sẽ là dự án gió lớn nhất ở ASEAN.

Phần lớn đầu tư FDI của ASEAN vẫn nằm trong khu vực do tiềm năng tăng trưởng dài hạn hấp dẫn. Dòng vốn FDI nội khối ASEAN tăng trưởng 5,4% vào năm 2020, từ 22,1 USD năm 2019 lên 23,3 tỉ USD năm 2020. Singapore và Thái Lan là hai nhà đầu tư lớn nhất trong ASEAN. Trên thực tế, các công ty từ Singapore đã hình thành nhóm nhà đầu tư lớn nhất ở một số quốc gia - 25% FDI vào Indonesia và 40% FDI vào Việt Nam là từ Singapore. Theo Enterprise Singapore, các công ty từ quốc đảo này đã đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng, sản xuất, vận tải, hậu cần và cơ sở hạ tầng của Indonesia.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỉ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỉ USD, chiếm 17,7%; Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư 3,3 tỉ USD, chiếm 14,7%.

Dòng vốn FDI của Thái Lan tăng hơn gấp đôi lên 17 tỉ USD vào năm 2020. Gần 85% dòng vốn FDI của Thái Lan tập trung vào các ngành như dịch vụ tài chính, bán lẻ và bán buôn, sản xuất, bất động sản và các hoạt động xây dựng trong ASEAN.

Indonesia và Philippines cũng đầu tư vào khu vực này, với vốn đầu tư ra nước ngoài từ hai nước lần lượt lên tới 4,5 tỉ USD và 3,5 tỉ USD. Ví dụ, Japfa Comfeed (Indonesia) đã mở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam trong khi Tập đoàn Ayala (Philippines) cùng với đối tác Singapore cũng đang xây dựng một trang trại điện gió tại Việt Nam.

Trong khi triển vọng chung của ASEAN phụ thuộc vào cách các quốc gia có thể ngăn chặn đại dịch COVID-19 và các biến thể virus mới, đầu tư nội khối sẽ thúc đẩy không chỉ hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn mà còn cả triển vọng tăng trưởng dài hạn cho cả khối.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn