MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Fed tăng lãi suất ảnh hưởng tỉ giá tại Việt Nam

Lan Hương LDO | 07/09/2022 09:57

Giới phân tích đánh giá: Thắt chặt chính sách tiền tệ là cách duy nhất để hạ nhiệt lạm phát trong bối cảnh nhiều khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng 75 điểm cơ bản trong tháng 9. Câu hỏi đặt ra: Khi bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ thay đổi sẽ ảnh hưởng gì đến Việt Nam chúng ta?   

Kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động ra sao khi Fed ngày càng “diều hâu”?

Bình luận về thông điệp “diều hâu” của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Jackson Hole, ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup nhận định: “Fed đang sử dụng công cụ “nguyên lý sự kỳ vọng”. Fed dùng lời phát biểu của Chủ tịch để điều chỉnh thị trường và thực tế là thị trường đã phản ứng mạnh. Tôi dự báo xu hướng thắt chặt lãi suất của Fed sẽ không duy trì quá lâu. Fed sẽ tăng khoảng 1,5-2% trong năm nay. Đầu năm 2023 là lúc lãi suất lập đỉnh”.

TS Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế - nhận định “Khi Fed tăng lãi suất, dòng vốn giá rẻ dừng lại, các nước đang phát triển như Việt Nam không còn hưởng lợi từ dòng vốn giá rẻ. Dòng vốn có xu hướng đảo chiều chuyển về các nước phát triển. Điều này ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Fed tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá nhiều so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có VND sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất giá. Tỉ giá hối đoái gây áp lực nhập khẩu lạm phát đến với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam và gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tỉ giá hối đoái”.

Bốn nhóm chỉ số cần quan tâm lúc này là lạm phát, tỉ giá, thanh khoản hệ thống lãi suất, sức khoẻ nền kinh tế.

Fed tăng lãi suất sẽ khiến tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu xuất khẩu với hàng Việt Nam thấp. Giới phân tích dự báo lãi suất huy động bằng VND chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm.

Trong khi đó, lãi suất USD tăng gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Đồng USD mạnh gây áp lực lên tỉ giá hối đoái của Việt Nam. 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê trong tháng 8 khá lạc quan: CPI bình quân năm trong tháng 8.2022 tăng trưởng bình quân 2,58%. Trong đó nhóm ngành giao thông do ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào đã tăng 6,06%.

“Hai yếu tố quan trọng nhất là GDP và lạm phát thì GDP vẫn tăng trưởng còn lạm phát vẫn nằm trong mức kiểm soát. Ngành công nghiệp chế biến vẫn tiếp tục phục hồi. Trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 9,4%. Trong đó, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%. Đây là những con số thể hiện con số tăng trưởng Việt Nam khá thực chất. Cán cân thương mại hàng hoá, 8 tháng đầu năm ước xuất siêu 3,98 tỉ USD. Điều này hỗ trợ cho ngân sách và cán cân thương mại cho Việt Nam” - ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO của AFA Capital và Founder của TOPI nhận định.

Tỷ giá  - câu chuyện "đau đầu" với Ngân hàng Nhà nước

“Tính từ đầu năm, đồng USD tăng 13,2%. Tỉ giá USD/VND tăng 2,65%. Có 2 trường hợp xảy ra, hoặc là VND mạnh lên 10% hoặc Việt Nam chưa phản ánh toàn bộ sức mạnh đồng USD vào nền kinh tế. Khi tỉ giá là điều cần chú ý thì gánh nặng đè lên cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước” - ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO của AFA Capital và Founder của TOPI cho biết.

“Tỉ giá là điều đau đầu nhất đối với Ngân hàng Nhà nước. Nguyên nhân là chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ quá lớn ở tất cả các kỳ hạn. Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải nâng lãi suất trên thị trường 2. Như vậy Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải tiếp tục bán đôla để can thiệp thị trường. 

Từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã bán 5 tỉ USD và hút về 125.000 tỉ đồng. Thanh khoản hệ thống ngân hàng mất đi 125.000 tỉ đồng để nhấc nền lãi suất trên thị trường 2 và thị trường 1 và tiếp tục sẽ hút tiền về” - ông Trần Ngọc Báu nhận định.

Tỉ giá USD/VND dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng trong tháng 9 khi Fed sẽ hành động quyết liệt để thị trường giảm kỳ vọng vào lạm phát. Lạm phát của Mỹ sẽ khó giảm trong thời gian tới làm kỳ vọng đồng USD sẽ tiếp tục mạnh. Điều này gây áp lực về tỉ giá tại Việt Nam.

“Việt Nam chưa có công cụ gì thực sự mạnh để kìm đà tăng tỉ giá ngoài công cụ lãi suất. Khi tỉ giá căng thẳng sẽ gây áp lực lạm phát. Để kìm lạm phát, Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải nâng nền lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để không chênh lệch nhiều so với Mỹ, giảm hiện tượng đầu cơ và giảm áp lực lên lãi suất. Cùng với đó là biện pháp rút bớt tiền về” - ông Trần Ngọc Báu nhận định. 

Đầu tư công được coi là cú kích hoạt trong nền kinh tế, đẩy lượng tiền trong Kho bạc ra hệ thống ngân hàng. Đó là công cụ bơm tiền tốt nhất và mạnh mẽ nhất nhưng lại đang rất chậm. Chuyên gia dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục tăng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn