MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ảnh: AFP.

G-20 ủng hộ kế hoạch giúp các nước đang phát triển ứng phó COVID-19

Thanh Hà LDO | 09/04/2021 11:26

Các giám đốc tài chính thế giới ngày 7.4 ủng hộ kế hoạch tăng dự trữ tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thêm 650 tỉ USD và gia hạn đóng băng thanh toán nợ để giúp các nước đang phát triển đối phó với đại dịch COVID-19, theo thông cáo của G-20.

Công bằng hơn, tiếp cận rộng rãi hơn với vaccine

"Chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các quốc gia dễ bị tổn thương khi các nước này xử lý những thách thức liên quan đến đại dịch COVID-19" - G-20 cho biết. Nhóm các nước này cũng khẳng định lại cam kết duy trì các hỗ trợ tài chính và kinh tế khác trong thời gian cần thiết.

"Chúng tôi kêu gọi IMF đưa ra một đề xuất toàn diện về việc phân bổ chung 650 tỉ USD cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) mới nhằm đáp ứng nhu cầu dài hạn trên toàn cầu về bổ sung tài sản dự trữ" - thông cáo nêu rõ.

Theo các quan chức tài chính và các nhà kinh tế, việc mở rộng dự trữ của IMF, hoặc SDR, sẽ tăng tính thanh khoản cho tất cả các thành viên mà không làm tăng thêm gánh nặng nợ của khoảng 30 quốc gia đã hoặc đang đối mặt với nguy cơ nợ.

G-20 cũng đồng ý gia hạn cuối cùng đến cuối năm 2021 của Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ (Debt Service Suspension Initiative) của Ngân hàng Thế giới nhằm giải phóng tiền mặt ở các nước đang phát triển để chống COVID-19.

Trong thư gửi ngày 7.4, hơn 250 nhóm tín ngưỡng và tổ chức phi lợi nhuận đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G-20, Nhà Trắng và IMF vượt ra khỏi quyền gia hạn trả nợ thực sự để hủy nợ và miễn trừ nợ cho các nước đang phát triển.

G-20 cho biết việc, đánh giá nợ sẽ được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Trong tuyên bố chung ngày 7.4, Mexico và Argentina kêu gọi giảm nợ nhiều hơn cho các nước thu nhập trung bình. Những nước này nói rằng, động thái trên nếu được thực hiện có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ đang bùng phát sau đại dịch. Nhưng Italia, nước đang đảm nhận cương vị chủ tịch G-20, cho biết, chưa có cuộc thảo luận nào về việc mở rộng khuôn khổ nợ chung cho các nước này.

Hôm 6.4, IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 lên 6%. Tuy nhiên, IMF chỉ ra sự khác biệt đáng kể giữa triển vọng của kinh tế Mỹ và phần còn lại của thế giới và lưu ý đại dịch COVID-19 có thể đảo ngược nhiều năm tiến bộ trong giảm nghèo.

G-20 cũng ủng hộ tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19 và khuyến khích các nỗ lực đẩy nhanh sản xuất và phân phối vaccine. G-20 khẳng định, vaccine có tác động lớn tới sự phục hồi ổn định và lâu dài.

“Về vấn đề này, chúng tôi công nhận vai trò của tiêm chủng COVID-19 như lợi ích công cộng toàn cầu" - G-20 cho biết.

Thúc đẩy thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng hồi sinh cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Thông cáo cũng nêu bật vấn đề chống biến đổi khí hậu và ghi nhận tiến triển trong việc hướng tới áp thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào tháng 7, sau khi xử lý vấn đề này trong Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD).

Cuộc họp G-20 tổ chức vào thời điểm các quan chức tài chính toàn cầu họp trực tuyến trong các cuộc họp mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới cũng cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen một cơ hội thúc đẩy mức thuế tối thiểu toàn cầu với lợi nhuận doanh nghiệp.

Tuần này, các quan chức IMF tán thành kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden về tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và đàm phán về mức thuế tối thiểu toàn cầu. Các quan chức cho rằng, các công ty và các cá nhân giàu có trong đại dịch có thể đủ khả năng đóng góp nhiều hơn.

"IMF kêu gọi áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu như một cách để ngăn chặn cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp" - Giám đốc bộ phận tài chính IMF Vitor Gaspar cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn