MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đón Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 19.5.2023. Ảnh: TTXVN

G7 hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng

Thanh Hà LDO | 20/05/2023 07:24

Ngày 19.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Việt Nam tham gia đóng góp với cộng đồng quốc tế

Trong chương trình công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự 3 phiên thảo luận về các chủ đề “Cùng hợp tác xử lí đa khủng hoảng”, “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững”, “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”; tham gia hoạt động về Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7; gặp gỡ, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7.

Tại các phiên thảo luận, hoạt động tiếp xúc đa phương, song phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham gia đóng góp với cộng đồng quốc tế, gắn với các lợi ích của Việt Nam về nhiều vấn đề, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh - phát triển, phát triển bền vững, hợp tác y tế, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng... Thông qua đó truyền tải thông điệp về Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích chính đáng của đất nước. 

Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio để thảo luận về hợp tác song phương, cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm; dự và phát biểu tại tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn Nhật Bản; tiếp các tổ chức kinh tế, tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản và gặp gỡ đại diện tiêu biểu cộng đồng và trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tới Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1973-2023); thể hiện sự coi trọng của cả hai bên đối với quan hệ song phương; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Nhật Bản, mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh.

Vai trò lãnh đạo toàn cầu của Nhật Bản

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Hiroshima từ ngày 19-21.5, một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản là truyền tải thông điệp “xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân".

Theo Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, cần có các nỗ lực chính trị và ngoại giao để hiện thực hóa thông điệp này. Ông nhấn mạnh nền tảng của các nỗ lực chung là sự tin tưởng lẫn nhau và nền tảng của quan hệ tin cậy là sự minh bạch của các quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tờ Japan Times cho rằng, với tư cách là thành viên duy nhất của G7 tại châu Á, Nhật Bản là đại diện cho tiếng nói của châu lục tại diễn đàn này.

Giáo sư Go Ito - chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, Khoa học Chính trị, Đại học Meiji - cho biết, các nước G7 sẽ bày tỏ phản đối việc sử dụng vũ lực quân sự thay đổi hiện trạng.

Giới chuyên gia dự đoán G7 sẽ gửi đến Trung Quốc thông điệp chung, trong đó bày tỏ mong muốn Trung Quốc thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế. Khủng hoảng Nga - Ukraina cũng là một chủ đề lớn.

Bên cạnh những vấn đề an ninh, Hội nghị Thượng đỉnh G7 dự kiến sẽ thảo luận về năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu, trí tuệ nhân tạo (AI) và tăng cường hợp tác đa phương… để thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Ngoài vấn đề lạm phát và nguy cơ suy thoái, nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với những rào cản không thể vượt qua nếu các nước không hợp tác lành mạnh về thương mại và đầu tư.

Trong nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ thảo luận về tăng cường hợp tác giữa nhóm G7 với các nước mới nổi và đang phát triển. Theo nhận định của giới chuyên gia, đây là các quốc gia đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp G7 khắc phục khủng hoảng giá cả, năng lượng, lương thực hay gián đoạn chuỗi cung ứng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn