MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một công trường xây dựng ở Berlin, Đức. Ảnh minh họa. Ảnh: Xinhua

Gánh nặng lớn nhất của Đức khi tương lai kinh tế ảm đạm

Thanh Hà LDO | 05/10/2023 14:06

Đức - nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) - đối mặt với tương lai kinh tế ảm đạm, trong đó thiếu lao động là "gánh nặng lớn nhất".

Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, ông Clemens Fuest, cảnh báo, tình trạng thiếu lao động và việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cùng với lạm phát tăng vọt sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Đức trong dài hạn.

"Tăng trưởng ở Đức sẽ yếu hơn trong tương lai" - ông chia sẻ với hãng tin tài chính DPA-AFX.

Ông nhấn mạnh, tình trạng thiếu lao động trong nhiều lĩnh vực là “gánh nặng lớn nhất” đối với nền kinh tế Đức. Theo ông, điều này sẽ “tiếp tục khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại trong những năm tới”.

Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cho rằng, sự sụt giảm dòng nhân lực là do xu hướng nhân khẩu học.

Ông cho hay, trên hết, quá trình chuyển đổi năng lượng có thể có tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất EU.

"Việc thiếu nguồn cung điện ở Đức là một sai lầm” - ông Fuest nói, đề cập đến việc chấm dứt sản xuất điện hạt nhân ở nước này trong bối cảnh nguồn cung khí đốt Nga đang bị thu hẹp.

Đức đã phải tăng cường nhập khẩu điện trong nửa đầu năm nay sau khi chính phủ quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này để chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo.

"Tôi dự kiến giá điện ở Đức sẽ luôn cao hơn các nước khác" - ông Fuest nói.

Sản xuất công nghiệp ở Đức sụt giảm sâu hơn dự kiến đã ảnh hưởng tới hầu hết ngành công nghiệp của nước này.

Nhiều nhà kinh tế đã nhiều lần cảnh báo các doanh nghiệp và ngành công nghiệp ở Đức sẽ cảm nhận những tác động toàn cầu mạnh hơn trong năm nay do khan hiếm nguyên liệu, giá nguyên liệu thô cùng giá năng lượng tăng cao.

Gần đây, các doanh nghiệp trong ngành hoá chất của Đức cũng cảnh báo khả năng phải chuyển các đơn vị sản xuất ra nước ngoài do chi phí năng lượng cao. Ông Fuest cảnh báo, những kế hoạch này “phải được thực hiện nghiêm túc”.

Những diễn biến này xảy ra khi các doanh nghiệp và ngành công nghiệp ngày càng bi quan về triển vọng kinh tế Đức trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài yếu hơn và thiếu đơn đặt hàng cũng như thiếu lao động có trình độ và chính sách tiền tệ siết chặt hơn.

Nền kinh tế Đức chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý đầu tiên của năm sau khi giảm 0,3%. GDP của Đức dự kiến giảm thêm 0,5% vào cuối năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn