MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường ống Nord Stream từng dẫn khí đốt từ Nga sang EU đã ngừng hoạt động sau vụ nổ tháng 9.2022. Ảnh: Xinhua

Gazprom Nga dự đoán EU sẽ thiếu khí đốt

Khánh Minh LDO | 06/10/2023 17:48

EU có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt, theo tập đoàn năng lượng Nga Gazprom.

Các nhà quản lý cấp cao của Gazprom cho biết hệ thống năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) không ổn định và có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt.

Gazprom - từng là nhà cung cấp khí đốt chính của EU - đã giảm đáng kể lượng xuất khẩu sang khối này vào năm ngoái, sau các lệnh trừng phạt của phương Tây và vụ phá hoại các đường ống Nord Stream.

Đường ống Nord Stream 1, chạy dưới biển Baltic và vận chuyển khí đốt từ Nga đến EU, cùng với Nord Stream 2 mới xây dựng, đã bị vỡ do vụ nổ dưới nước vào tháng 9 năm ngoái, khiến chúng không thể hoạt động được.

“Việc thiếu hụt có hệ thống vẫn chưa biến mất. Điều đó không chỉ được thể hiện ở mức giá cao hơn vào năm 2023 so với những năm trước COVID-19, mà còn bởi sự tồn tại dai dẳng của tình trạng bù hoãn mua (contango) ổn định trên thị trường khí đốt tự nhiên” - RT dẫn lời các nhà quản lý cấp cao của Gazprom, Sergey Komlev và Aleksandr Shapin, cho hay.

Bù hoãn mua là tình huống trong đó giá tương lai của một hàng hóa cao hơn giá giao ngay được dự kiến trong tương lai cho hàng hóa đó, điều này khuyến khích các nhà giao dịch giữ hàng trong kho để bán lại có lợi hơn trong tương lai.

Các nhà quản lý Gazprom cho biết: “Hành vi giá này có nghĩa là hệ thống an ninh năng lượng ở châu Âu, được xây dựng cho các trường hợp khẩn cấp, không ổn định và phải đối mặt với những thách thức mới”.

Năm ngoái, EU giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga bằng cách nhập khẩu LNG từ các nước khác trong đó có Mỹ, quốc gia trở thành nguồn khí đốt chính của khối, chiếm tới 35% tổng lượng nhập khẩu.

Các giám đốc điều hành của Gazprom cho rằng việc cắt đứt quan hệ khí đốt với Nga khiến an ninh năng lượng ở EU yếu hơn do tỉ trọng LNG “kém tin cậy” tăng mạnh so với khí đốt qua đường ống, vốn được cung cấp chủ yếu theo hợp đồng dài hạn.

Một số nhà kinh tế và chính trị gia phương Tây cũng chỉ ra những bất lợi của việc chuyển sang sử dụng LNG đắt tiền hơn và kém thân thiện với môi trường hơn, gọi việc phá hoại Nord Stream là hành động “chiến tranh kinh tế” nhắm vào toàn bộ EU.

Nga từng cung cấp khoảng 155 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên cho EU trước khi bắt đầu xung đột Ukraina, chủ yếu thông qua đường ống. Năm 2022, nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga cho EU giảm xuống còn 60 tỉ mét khối và dự kiến còn 20 tỉ mét khối trong năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn