MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên Công ty dầu khí Aramco làm việc trong Nhà máy Abqaiq của Saudi Arabia. Ảnh: AFP

Giá dầu giảm sau đình chiến xung đột Trung Đông

Thanh Hà LDO | 05/04/2022 06:52

Giá dầu tiếp tục giảm trong ngày 4.4 khi các nhà đầu tư hướng đến việc giải phóng nguồn cung từ các nguồn dự trữ chiến lược ở các quốc gia tiêu thụ, trong khi một thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen có thể giảm bớt lo ngại về gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông, Reuters cho hay. 

Giảm mối đe dọa với nguồn cung

Giá dầu Brent giao sau giảm 79 cent, tương đương 0,8%, xuống 103,60 USD/thùng vào lúc 0h37, ngày 4.4, giờ GMT trong khi dầu thô WTI của Mỹ ở mức 98,45 USD/thùng, giảm 82 cent, tương đương 0,8%. Trước đó, dầu thô Brent giao sau giảm 1,01 USD, tương đương 1%, xuống 103,38 USD/thùng vào lúc 22h23 ngày 3.4, giờ GMT. Dầu thô WTI giao sau giảm 84 cent, tương đương 0,9% xuống 98,43 USD/thùng.

Giá dầu giảm khi bắt đầu phiên giao dịch Châu Á vào 3.4 sau khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Houthi hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn sẽ ngừng các hoạt động quân sự ở biên giới Saudi Arabia-Yemen, giảm bớt một số lo ngại về các vấn đề nguồn cung tiềm năng. Trước đó, các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia đã bị Houthi tấn công trong cuộc xung đột.

UAE đã hoan nghênh thông báo về một thỏa thuận ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian với Yemen, hãng thông tấn nhà nước WAM của UAE đưa tin ngày 2.4. Nhóm Houthi vốn đang đối đầu với một liên minh, trong đó có UAE, ở Yemen, cũng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn. Houthi hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn và cam kết thực hiện thỏa thuận chừng nào đối phương tuân thủ, người phát ngôn của lực lượng thông tin trên Twitter. 

Thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc trong vòng 2 tháng do Liên Hợp Quốc làm trung gian là thỏa thuận đầu tiên trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm ở Yemen và sẽ cho phép nhập khẩu nhiên liệu vào các khu vực do Houthi kiểm soát cũng như cho phép một số chuyến bay hoạt động từ sân bay Sanaa, một phái viên Liên Hợp Quốc thông tin. Thỏa thuận là động thái quan trọng nhất nhằm chấm dứt cuộc xung đột khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người rơi vào cảnh đói. Lần phối hợp chấm dứt các hành động thù địch gần đây nhất trên toàn quốc ở Yemen là trong cuộc đàm phán hòa bình năm 2016. Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen từ tháng 3.2015 sau khi Houthi lật đổ chính phủ được quốc tế công nhận ở thủ đô Sanaa vào cuối năm 2014.

Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group nhận định: “Đây vốn là một mối đe dọa với nguồn cung và một lệnh ngừng bắn sẽ làm giảm mối đe dọa đó cho nguồn cung”.

Tạm đáp ứng nhu cầu năm 2022

Mức giảm giá dầu mới xảy ra sau khi giá dầu đã giảm khoảng 13% vào tuần trước - mức giảm hằng tuần lớn nhất trong 2 năm qua - khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đợt xuất kho dự trữ dầu lớn nhất từ ​​trước đến nay của Mỹ. Ngày 31.3, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo có tới 1 triệu thùng dầu sẽ được xuất từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Mỹ (SPR) trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 5. Ông Biden cho biết, đợt xuất kho tới 180 triệu thùng lần này, sẽ đóng vai trò là cầu nối cho đến khi các nhà sản xuất trong nước có thể thúc đẩy sản lượng và đưa cung trở lại cân bằng với cầu. Bộ Năng lượng Mỹ đã chính thức hoạch định việc bán dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp trong khi các thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng đã nhất trí vào ngày 1.4 về một đợt xuất dầu phối hợp khác. 

Tina Teng, nhà phân tích thị trường tại CMC Markets APAC & Canada đánh giá: “Những nỗ lực chung của Mỹ và các đồng minh có thể tạm thời cân bằng sự thiếu hụt nguồn cung trong năm 2022, nhưng đó có thể không phải là giải pháp lâu dài”.

Reuters chỉ ra, dù ông Biden kêu gọi các công ty năng lượng của Mỹ tăng cường sản xuất, tốc độ tăng lượng giàn khoan vẫn chậm ở Mỹ. Những lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, vẫn tồn tại khi thành phố đông dân nhất Thượng Hải đã gia hạn phong tỏa ngừa COVID-19. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc đã dự kiến ​​lưu lượng giao thông đường bộ giảm 20% và số chuyến bay giảm 55% trong 3 ngày nghỉ lễ Thanh minh do bùng phát COVID-19 ở nước này. Theo Reuters, chính sách COVID-19 của Trung Quốc vốn đã làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu vận tải ở nước này. Việc phong tỏa tại trung tâm tài chính Thượng Hải, bắt đầu từ ngày 28.3, có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu tới 200.000 thùng mỗi ngày.

Nguồn cung dầu toàn cầu trong tình trạng đáng lo ngại kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina hồi cuối tháng 2. Hoạt động lọc dầu và xuất khẩu của Nga bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như sự né tránh của người mua sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraina. Ước tính thiệt hại về nguồn cung dầu của Nga từ 1 triệu đến 3 triệu thùng/ngày.Các lệnh trừng phạt áp đặt với Nga đã làm gián đoạn nguồn cung dầu và đẩy giá dầu lên gần 140 USD/thùng, mức cao nhất trong khoảng 14 năm. 

Trong khi đó, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông tin ngày 3.4 rằng tập đoàn tiếp tục cung cấp khí đốt cho Châu Âu thông qua Ukraina theo yêu cầu của người tiêu dùng Châu Âu. Gazprom cho biết, yêu cầu của khách hàng Châu Âu ở mức 108,4 triệu mét khối cho ngày 3.4, gần tương đương với mức của ngày 2.4. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn