MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam đang thực hiện các biện pháp đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm. Ảnh: Hải Nguyễn

Giá gạo ở châu Á tăng lên mức cao nhất trong 15 năm

Khánh Minh LDO | 14/08/2023 08:26

Giá gạo ở châu Á đạt mức cao nhất trong 15 năm sau động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Kể từ khi Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường (non-basmati) và thời tiết khô hạn đe dọa sản lượng ở nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai là Thái Lan, giá gạo ở châu Á đã tăng vọt - chạm mức cao nhất trong gần 15 năm.

Với mức giá 650 USD/tấn, giá gạo 5% tấm của Thái Lan chưa từng đắt như vậy kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào tháng 10.2008, theo dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan được Bloomberg trích dẫn.

Trong khi đó, tại nước xuất khẩu đứng thứ ba là Việt Nam, các thương nhân dự báo giá gạo chất lượng cao có thể sớm đạt mức 700 USD/tấn, sau khi giá gạo 5% tấm gần đây đạt 550-575 USD, theo dữ liệu hải quan.

Việc tăng giá có thể sẽ tiếp tục khi các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu gạo như Philippines và Indonesia đang tích trữ, đặc biệt là khi Indonesia chuẩn bị tổ chức bầu cử vào tháng 2 năm sau. Sản lượng gạo của châu Á đã bị ảnh hưởng trong năm nay. Những đợt nắng nóng chết người vì El Nino đã quét qua khu vực, gây hạn hán, ảnh hưởng đến mùa màng và làm đảo lộn nguồn cung.

Chỉ riêng Ấn Độ đã chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Khoảng 30% gạo xuất khẩu của Ấn Độ - tương đương 12% tổng thương mại toàn cầu - bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Paul Hughes, nhà kinh tế trưởng nông nghiệp và giám đốc nghiên cứu tại S&P Global Commodity Insights, cho biết, 12% là mức thiếu hụt tiềm năng đáng kể so với bình thường.

Cho đến nay, các nhà bán buôn hầu hết đã khai thác kho dự trữ để duy trì nguồn cung, nhưng một số quốc gia đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đề phòng trường hợp có những cú sốc trong tương lai.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký chỉ thị ngày 5.8.2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý.

Các quốc gia khác bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã phản ứng với động thái của Ấn Độ bằng cách tạm thời cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo. Trong khi đó, Thái Lan bày tỏ lạc quan về việc giành được một thị trường xuất khẩu lớn hơn từ Ấn Độ.

Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự kiến xuất khẩu sẽ tăng tới 20% khi Thái Lan có kế hoạch xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo ra thị trường thế giới trong năm nay, bù đắp phần nào khoảng trống do Ấn Độ để lại.

Nhưng trên khắp các vùng trung tâm trồng lúa của Thái Lan - nơi 1kg gạo hiện có giá khoảng 11 baht (0,3 USD) - nông dân đang chuẩn bị cho một cú sốc không mong muốn sau nhiều năm giá giảm.

Tờ SCMP dẫn lời ông Bualin Komkla, chủ tịch hợp tác xã các nhà máy gạo địa phương ở Surin cho biết, thông thường giá tăng là tin tốt, nhưng trong những năm qua giá giảm quá sâu khiến nông dân phải bán dự trữ để trả nợ và không còn hàng để đưa ra thị trường. Những người duy nhất có lợi sẽ là những nhà xay xát gạo với lượng hàng dự trữ lớn.

Bên cạnh đó, vụ thu hoạch tới ở Thái Lan dự kiến sẽ bị ảnh hưởng do hạn hán. Các khu vực trồng lúa trọng điểm ở miền trung Thái Lan có thể bị giảm lượng mưa tới 40% trong năm nay. Do đó, sản lượng gạo của Thái Lan được dự báo sẽ giảm 5%, theo số liệu của Bộ Thương mại.

Theo một nhà môi giới gạo nổi tiếng ở Thái Lan, gạo của Thái Lan là một trong những lựa chọn tốt, nhưng nó không thể lấp đầy khoảng trống do Ấn Độ để lại. Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn gạo, trong khi cả Thái Lan và Việt Nam xuất khẩu chưa đến 15 triệu tấn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn