MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khoảng 150m3 gỗ tròn trị giá 10.400 euro đã bị đánh cắp khỏi các khu rừng tư nhân của Estonia trong 10 tháng qua. Ảnh: Getty

Giá khí đốt tăng cao ở EU châm ngòi nạn trộm gỗ

Song Minh LDO | 14/11/2022 07:57
Giá khí đốt gia tăng của EU châm ngòi cho nạn trộm cắp gỗ từ rừng để sưởi ấm nhà cửa.

Khoảng 150 mét khối gỗ tròn trị giá 10.400 euro (10.388 USD) đã bị đánh cắp khỏi các khu rừng tư nhân của Estonia trong 10 tháng qua - đài truyền hình ERR của Estonia trích dẫn thông tin từ Trung tâm Quản lý Rừng Nhà nước cho biết.

Đồng thời, gần 126 mét khối củi trị giá 3.850 euro (3.845 USD) đã bị đánh cắp khỏi các khu rừng của Estonia.

Giám đốc Trung tâm Quản lý Rừng Nhà nước của Vùng Tartu, ông Toomas Haas, nói với giới truyền thông rằng, số vụ trộm đã tăng lên, bất chấp lực lượng kiểm lâm luôn giám sát chặt chẽ hàng ngày.

Vụ trộm mới nhất được báo cáo tại Tartu diễn ra trong một khu bảo tồn thiên nhiên. Một người đàn ông 43 tuổi và một phụ nữ 35 tuổi bị bắt quả tang đang đốn cây và lấy trộm gỗ.

Theo ông Haas, sự gia tăng số lượng các vụ trộm có liên quan đến việc giá năng lượng tăng.

Sau khi Mátxcơva khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraina, các quốc gia EU cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga càng nhanh càng tốt. Kết quả là Liên minh Châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn. Giá khí đốt và giá điện đang tăng theo chiều hướng xoắn ốc, trong khi lạm phát trên toàn khu vực đã phá vỡ mức cao kỷ lục.

Vào tháng 5, Estonia đứng đầu bảng danh sách lạm phát của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu, khi giá tiêu dùng hàng năm của quốc gia này tăng 20,1%. Các nước láng giềng Baltic như Lithuania và Latvia, có mức tăng cao thứ hai và thứ ba, lần lượt là 18,5% và 16,4%.

Trong khi EU đang tính đến việc áp giá trần với khí đốt Nga, một đại diện của Ủy ban Châu Âu cho biết tại một cuộc hội thảo có sự tham dự của đại diện từ tất cả 27 quốc gia thành viên EU rằng không thể áp đặt giới hạn giá khí đốt mà không gây ảnh hưởng đến các hợp đồng dài hạn và an ninh nguồn cung.

Ý tưởng áp đặt giá trần đối với các nguồn năng lượng của Nga được các nhà lãnh đạo của các nước phương Tây đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6. EU cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển từ ngày 5.12 và các sản phẩm dầu vào tháng 2.2023. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận áp giá trần khí đốt của Nga.

Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ không xuất khẩu năng lượng cho các nước áp dụng giá trần. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì ra nước ngoài nếu điều đó đi ngược lợi ích của Nga.

Giám đốc Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga, ông Alexei Miller cũng khẳng định, việc EU đơn phương áp giá trần sẽ vi phạm các điều khoản chính của hợp đồng và dẫn đến việc ngừng cung cấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn