MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bão Lee băng qua Đại Tây Dương ngày 8.9.2023. Ảnh: NOAA

Gia tăng yếu tố khiến các siêu bão ngày càng khốc liệt

Ngọc Vân LDO | 19/03/2024 16:16

Yếu tố khiến các siêu bão ngày càng khốc liệt một phần là do nhiệt độ đại dương toàn cầu đạt kỷ lục mới mỗi ngày trong năm qua.

CNN dẫn dữ liệu mới cho thấy, các đại dương trên thế giới đã trải qua một năm nắng nóng chưa từng thấy, với kỷ lục nhiệt độ mới bị phá vỡ mỗi ngày.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và website Climate Reanalyzer của Đại học Maine (Mỹ), nhiệt độ bề mặt đại dương toàn cầu bắt đầu phá vỡ kỷ lục hằng ngày vào giữa tháng 3 năm ngoái, làm dấy lên mối lo ngại về sinh vật biển và thời tiết khắc nghiệt trên khắp hành tinh.

Joel Hirschi, phó giám đốc mô hình hệ thống biển tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia ở Anh, cho biết: “Biên độ mà các kỷ lục nhiệt độ mặt nước biển trước đây bị phá vỡ vào năm 2023 và bây giờ là năm 2024 rất đáng chú ý”.

Gregory C. Johnson, nhà hải dương học của NOAA lưu ý, nhiệt độ đại dương trung bình toàn cầu năm 2023 ấm hơn 0,25 độ C so với năm 2022. Sự gia tăng đó tương đương với sự nóng lên trong khoảng hai thập kỷ chỉ trong một năm.

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ đại dương tăng cao vì sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra, lại được thúc đẩy bởi El Nino - một kiểu khí hậu tự nhiên, trong đó, nhiệt độ đại dương cao hơn mức trung bình.

Hậu quả nặng nề nhất là đối với sinh vật biển và thời tiết toàn cầu. Sự ấm lên của đại dương toàn cầu có thể tăng thêm sức mạnh cho các cơn bão và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác, bao gồm các đợt nắng nóng thiêu đốt và lượng mưa dữ dội.

Nhiệt độ bề mặt nước biển hằng ngày trong các năm 2023 và năm 2024 tính đến 16.3 so với mức trung bình từ năm 1982-2011. Nguồn: Climate Reanalyzer

Nhiệt độ đại dương cao đã chứng tỏ là thảm họa đối với san hô. Rạn san hô Great Barrier của Australia đang trải qua đợt tẩy trắng hàng loạt lần thứ bảy - các nhà chức trách công bố vào tháng 3 sau các cuộc khảo sát trên không.

Hiện tượng tẩy trắng xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng cao khiến san hô trục xuất tảo sống trong mô ra ngoài và làm màu sắc rực rỡ của san hô biến mất. Nếu nhiệt độ đại dương duy trì quá cao trong thời gian dài, san hô có thể chết.

Dữ liệu từ công cụ "Theo dõi Rạn san hô của NOAA" cho thấy vấn đề này vượt ra ngoài Australia và thế giới có thể phải đối mặt với hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt toàn cầu lần thứ tư trong vài tháng tới.

Sức nóng của đại dương tạo tiền đề cho những siêu bão dữ dội hơn. Bà Karina von Schuckmann, nhà hải dương học tại Mercator Ocean International ở Pháp, cho biết: “Đại dương càng ấm thì càng có nhiều năng lượng để cung cấp nhiên liệu cho các cơn bão”.

Nhiệt độ chưa từng có ở Bắc Đại Tây Dương, khu vực đại dương quan trọng hình thành bão, khiến một số nhà khoa học ngạc nhiên.

Brian McNoldy, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Rosenstiel, Đại học Miami, nói, đôi khi, các kỷ lục ở Bắc Đại Tây Dương đã bị phá vỡ với những tỉ lệ gần như không thể đạt được về mặt thống kê.

Nếu nhiệt độ đại dương rất cao tiếp tục kéo dài sang nửa cuối năm 2024 và La Nina phát triển - hiện tượng ngược với El Nino có xu hướng khuếch đại mùa bão Đại Tây Dương - sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra một mùa bão rất khốc liệt.

Khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa của thế giới do đốt nhiên liệu hóa thạch được lưu trữ trong các đại dương. Theo bà Schuckmann, đại dương là trọng điểm cho sự nóng lên toàn cầu.

El Nino đang suy yếu và được dự đoán sẽ kết thúc trong vài tháng tới, điều này có thể làm giảm nhiệt độ đại dương kỷ lục, đặc biệt nếu tác động làm mát của La Nina thay thế nó. Tuy nhiên, hiện tại không thể dự đoán khi nào nhiệt độ đại dương sẽ giảm xuống dưới mức kỷ lục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn