MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hố đen khổng lồ ở bán đảo Yamal, Siberia, Nga. Ảnh: The Siberia

Giả thuyết mới về những hố đen bí ẩn ở Siberia

Thanh Hà LDO | 06/02/2024 12:18

Tháng 6.2017, một người chăn tuần lộc ở bán đảo Yamal phía tây bắc Siberia, Nga báo cáo về một vụ nổ lớn và khói bốc lên từ mặt đất. Cuối ngày hôm đó, một hố rộng 7m, sâu gần 20m, có các khối đất và băng bao quanh được phát hiện tại nơi xảy ra vụ nổ.

Cho tới nay, 17 hố tương tự, được người dân địa phương gọi là "hố đen" vì thường chứa đầy nước than bùn, đã được phát hiện.

Theo Forbes, có nhiều lý giải cho những hố đen này, bao gồm thermokarst - hố sụt trên mặt đất đóng băng, các cuộc thử nghiệm vũ khí bí mật, va chạm thiên thạch.

Gần đây, một giả thuyết mới xuất hiện cho thấy các hố đen này là những miệng hố hình thành do nhiệt độ ở Bắc Cực ấm lên làm lớp đất đóng băng bị suy yếu tới mức khiến các túi hóa thạch khí đốt bên dưới phát nổ.

Từ lâu, băng tan được coi là nguyên nhân dẫn tới các lỗ hổng trên mặt đất. Tuy nhiên, điều này không giải thích được tại sao những hố này chỉ được tìm thấy ở bán đảo Yamal và Gydan của Tây Siberia ở miền Bắc nước Nga.

Tác giả chính của nghiên cứu Helge Hellevang - giáo sư khoa học địa chất môi trường tại Đại học Oslo ở Na Uy - và cộng sự, đã tìm hiểu về lịch sử địa chất của các khu vực bị ảnh hưởng.

Cả hai khu vực đều nằm trên Nền cổ Nga và Siberia - tàn tích của một số lớp vỏ lục địa lâu đời nhất được tìm thấy trên Trái đất, nơi khí tự nhiên nóng thoát ra qua các đứt gãy địa chất. Điều này dẫn tới tích tụ khí trong lòng đất và làm bề mặt đóng băng bị suy yếu, khiến đất ở đây dễ bị sụp hơn.

Cách đây vài thế kỷ, vị trí những hố đen này vẫn được các hồ nhỏ bao phủ. Trong lớp trầm tích mềm dưới đáy hồ, các loại khí như metan và khí hydrat có thể tích tụ theo thời gian. Sau khi các hồ khô cạn, lớp trầm tích bề mặt bị đóng băng tạo thành nắp giữ cho các túi khí.

Tuy nhiên, khi khí hậu ấm lên, lớp này có khả năng bị vỡ, gây ra các vụ phun trào khí đột ngột và dẫn đến những vụ nổ hình thành các miệng hố.

Dữ liệu khí hậu từ Siberia cho thấy, nhiệt độ trung bình đã tăng lên trong thập kỷ qua. Điều này có thể giải thích cho việc các miệng hố thải khí bắt đầu hình thành trong 12 năm qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn