MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiên thạch nổ tung trên bầu trời Nga năm 2013. Ảnh: AFP

Giả thuyết thiên thạch nổ trên không xóa sổ thành phố cổ đại gần Biển Chết

Thanh Hà LDO | 22/09/2021 16:47
Thiên thạch nổ cách đây 3.600 năm có thể đã phá hủy thành phố cổ đại ở Thung lũng Jordan gần Biển Chết. 

Vụ nổ thiên thạch phía trên thành phố Tall el-Hammam đủ lớn để san bằng đô thị cổ đại, san phẳng cung điện, các cấu trúc bằng gạch và bức tường bao quanh thành phố, theo bài báo đăng trên tạp chí Nature Scientific Reports.

Nghiên cứu đã so sánh vụ nổ trên không xảy ra khoảng năm 1650 trước Công nguyên với sự kiện Tunguska xảy ra năm 1908 khi một thiên thạch cỡ 55-60m đi vào bầu khí quyển Trái đất phía trên khu vực Đông Siberia với tốc độ khoảng 14.975m/giây và phát nổ. 

Vụ nổ trên không giải phóng khoảng 12 megaton năng lượng, tương đương với khoảng 1.000 lần năng lượng của quả bom nguyên tử tàn phá Hiroshima.

Các tác giả, trong đó có James Kennett - giáo sư danh dự về khoa học Trái đất tại Đại học California, Santa Barbara, Mỹ, tin rằng, vụ nổ trên không thời cổ đại có thể còn mạnh hơn cả vụ nổ gây ra sự kiện Tunguska.

Tái dựng cung điện thành phố Tall el-Hammam sau khi bị phá hủy trong vụ nổ thiên thạch. Ảnh: Đại học California, Santa Barbara

Khu vực từng là thành phố Tall el-Hammam hiện là địa điểm nổi tiếng với các nhà khảo cổ học khi các lớp ở đây cung cấp bằng chứng về những khu định cư từ thời kỳ đồ đồng đá (5000 đến 3300 trước Công nguyên) đến thời đại đồ đồng (3300 đến 1200 trước Công nguyên), có một khoảng giữa kỳ lạ dày 1,5m. 

Trong khoảng này, các nhà khảo cổ học phát hiện ra các vật liệu thường liên quan đến sự tàn phá do chiến tranh hoặc động đất như gạch bùn sủi bọt thậm chí cả vật liệu xây dựng bị nấu chảy. 

Những vật liệu này cho thấy có nhiệt độ cao hơn nhiều so với bất kỳ cách thức nhân tạo nào có thể tạo ra được vào thời điểm đó. “Chúng tôi thấy bằng chứng về nhiệt độ lớn hơn 2.000 độ C" - Kennett nói. 

Trong số các vật liệu bị cháy và cấu trúc bị phá hủy có cả xương người. Phân tích đất kỹ hơn cũng cho thấy có những quả cầu nhỏ chứa sắt và silica cũng như các kim loại nóng chảy. 

Chuyên gia Kennett nhấn mạnh, những bằng chứng chính về vụ nổ thiên thạch trên không do nhóm của ông phát hiện là sự tồn tại của thạch anh bị sốc - vật liệu được hình thành dưới áp suất rất cao. Điều này có nghĩa là có những áp lực cực mạnh gây ra với các tinh thể thạch anh - một trong những khoáng chất cứng nhất rất khó bị sốc. 

Đô thị cổ Tell el-Hamman, nằm ở phía đông bắc Biển Chết và là một trong những khu vực đông dân cư nhất trong thời kỳ đồ đồng với dân số gấp 10 lần Jerusalem. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn