MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh thu từ xuất khẩu dầu khí của Nga đạt hơn 17 tỉ USD trong tháng 10.2023. Ảnh: Sputnik

Giá trần với dầu của Nga ngày càng kém tác dụng

Khánh Minh LDO | 07/11/2023 06:45

Doanh thu xuất khẩu dầu của Nga tăng hơn gấp đôi trong tháng trước, bất chấp việc phương Tây áp đặt giá trần.

Tờ Wall Street Journal đưa tin, mức giá trần đối với dầu của Nga do G7 và EU đưa ra vào cuối năm ngoái nhằm cắt giảm nguồn thu từ năng lượng của Mátxcơva ngày càng tỏ ra không hiệu quả.

Các nước EU và G7 thống nhất mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga vào tháng 12 năm 2022; và tháng 2 năm nay đã đặt ra những hạn chế tương tự đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Cơ chế này hoạt động bằng cách cho phép các công ty phương Tây vận chuyển, buôn bán hoặc bảo hiểm dầu của Nga chỉ khi dầu được bán ở mức giá bằng hoặc dưới 60 USD/thùng.

Mặc dù doanh thu từ việc bán dầu và khí đốt của Nga trong tháng 1 giảm 46% so với cùng kỳ xuống còn 426 tỉ rúp (4,6 tỉ USD) sau giá trần lần đầu tiên được thực thi, nhưng kể từ đó, doanh thu đã tăng đáng kể.

Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Nga, doanh thu từ dầu khí của nước này đạt 1,635 nghìn tỉ rúp (17,6 tỉ USD) trong tháng 10, tăng hơn gấp đôi so với tháng 9 và tăng hơn 1/4 kể từ tháng 10.2022.

Theo Wall Street Journal, sự thay đổi này là do Mátxcơva đã vượt qua giá trần thành công. Liên tục cho rằng giá trần vi phạm các quy tắc thị trường toàn cầu, Nga được cho là đã chuyển hoạt động xuất khẩu dầu thô sang một đội tàu chở dầu cũ kỹ, hay còn gọi là “đội tàu bóng đêm”

Một báo cáo gần đây của Trường Kinh tế Kiev tuyên bố, đội tàu chở dầu của Nga có 180 tàu tính đến tháng 9. Theo các nhà phân tích nói chuyện với Wall Street Journal, quy mô của đội tàu đảm bảo rằng hầu hết hàng xuất khẩu của Nga không chịu ảnh hưởng của cơ chế giá trần.

Ngoài ra, các khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga - Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - chưa tham gia áp đặt giá trần của phương Tây, và Nga đã chuyển hướng dầu trước đây dành cho phương Tây sang các nước này. Với người mua hiện đã được đảm bảo, Nga dần dần giảm mức chiết khấu đối với dầu xuất khẩu được áp dụng vào đầu năm nay.

Theo dữ liệu gần đây từ S&P Global, hơn một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga được vận chuyển bằng bảo hiểm ngoài G7, tăng từ khoảng 35% trong tháng 1, điều này cũng cho thấy cơ chế giá trần ngày càng trở nên không phù hợp.

Bà Natasha Kaneva, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại JPMorgan Chase, cho biết, giá trần hoạt động như thiết kế nhưng giờ đã lỗi thời.

Các nhà phân tích khác lưu ý, cơ chế này vẫn có thể được thực thi, nhưng sẽ đòi hỏi sự kiểm soát nhiều hơn từ G7 và EU, bao gồm các hình phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm, yêu cầu tài liệu chi tiết hơn để ngăn chặn gian lận chứng thực và điều tra chi phí vận chuyển và bảo hiểm tăng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn