MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đọc thông điệp năm mới. Ảnh: KCNA/Reuters

Giấc mơ năm mới của ông Kim Jong-un có thành hiện thực?

N.V LDO | 08/01/2018 18:38
Đã xuất hiện niềm hy vọng rằng năm mới sẽ mang đến món quà quý, nếu chưa phải là cho toàn thế giới thì chí ít cũng là cho bán đảo Triều Tiên.

Trong thông điệp năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi nối lại đàm phán với Hàn Quốc. Ông Kim cũng ủng hộ việc đưa vận động viên Triều Tiên sang dự Thế vận hội Olympic Mùa đông PyeongChang.

Seoul đã phúc đáp lời ông Kim Jong-un và ngay ngày 3.1 đã diễn ra cuộc tiếp xúc thứ nhất trên đường dây nóng giữa hai miền Triều Tiên, vốn đã bị gián đoạn suốt gần hai năm. Trong cuộc nói chuyện điện thoại này, lần đầu tiên kể từ tháng 12.2015, hai bên nhất trí tiến hành cuộc đối thoại liên Triều vào ngày mai, 9.1.2018.

Có thể xem một bước đi nữa nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là quyết định của Washington và Seoul - hai bên sẽ không tiến hành tập trận chung trong thời gian Thế vận hội Mùa đông ở PyeongChang.

Tổng thống Donald Trump đã hứa với Tổng thống Hàn Quốc rằng Mỹ sẽ cử phái đoàn đến dự Thế vận hội, gồm cả các thành viên gia đình Tổng thống Mỹ. Thông tin này rất quan trọng bởi mới chỉ cách đây một tháng ở Mỹ còn bàn thảo câu hỏi, liệu người Mỹ có nên từ chối tham gia Thế vận hội Olympic ở Hàn Quốc hay không, vì dường như có mối nguy tiềm ẩn từ phía Bình Nhưỡng.

Quan sát viên của Nga, ông Piotr Tsvetov nhận định với Sputnik, có thể phần nào vững tin rằng Thế vận hội Pyeongchang sẽ diễn ra trôi chảy và trong bầu không khí yên bình. Theo tinh thần truyền thống của Olympic, không một bên nào tham gia xung đột trên bán đảo Triều Tiên sẽ giương vũ khí ra vào quãng thời gian đại hội thể thao này. Đây là triển vọng đáng mừng nhất của năm 2018 vừa mới bắt đầu.

Tuy nhiên theo ông Tsvetov, vẫn còn quá sớm để ước ao rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ thay đổi tận gốc. Chính quyền Nhà Trắng cho đến hôm nay vẫn nêu phi hạt nhân hóa như một đòi hỏi cơ bản với Bình Nhưỡng, tức là buộc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí tên lửa, hạt nhân.

"Người Triều Tiên và không chỉ riêng họ còn nhớ rõ số phận cay đắng của Iraq và Libya, khi nhà cầm quyền hai nước này tin lời phương Tây và từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng rồi vẫn không cứu được mạng sống của Saddam Hussein và Muammar Gaddafi" - ông Tsvetov nói.

Chuyên gia này nhận định, cũng không có gì chắc rằng nối lại đối thoại liên Triều sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình thống nhất hai nước Triều Tiên. Chính giới ở Seoul và Bình Nhưỡng đều luôn nói lên nguyện vọng đoàn tụ nhưng đồng thời đề xuất những sơ đồ hoàn toàn khác nhau cho viễn cảnh thống nhất. Ông Kim Jong-un kêu gọi lãng quên những oán hận trong quá khứ, tuy vậy có vẻ cả hai bên chưa sẵn sàng tiến tới những nhân nhượng nghiêm túc.

May chăng thì các cuộc thương lượng của đại diện hai miền Triều Tiên sẽ mang lại hệ quả tích cực nào đó. Hy vọng rằng trạng thái xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn được kéo dài, cả sau Thế vận hội Mùa đông - nhà phân tích Nga nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn