MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồ họa các phương án giải cứu đội bóng nhí Thái Lan. Ảnh: NGÔ PHONG

Giải cứu đội bóng Thái Lan: Lời cảm ơn của những cậu bé và đôi giày người thợ lặn già

HÀ LIÊN LDO | 07/07/2018 06:55
Lời cảm ơn chân thành của cậu bé 10 ngày trong hang sâu, đôi giày cũ của bác thợ lặn sau chục ngày lặn lội tìm kiếm, những đồng tiền chắt chiu của cư dân đảo Libong làm lộ phí cho 8 thợ tìm tổ yến đến Chiang Rai… là một vài trong số những câu chuyện về việc giải cứu đội bóng nhí Thái Lan trong 2 tuần qua.

Lời cảm ơn của cậu bé

Trong video cuộc trò chuyện đầu tiên giữa 12 cầu thủ nhí đội bóng Lợn Hoang cùng trợ lý huấn luyện viên (HLV) 25 tuổi và các thợ lặn Anh khi được tìm thấy tối 2.7 sau 9 ngày mắc kẹt trong hang Tham Luang, câu đầu tiên mà một cậu bé nói ở mở đầu đoạn video là: “Cảm ơn chú" và tiếng bật khóc.

Đoạn video đăng tải trên Facebook này kết thúc với đoạn tâm sự rất chân thật của những đứa trẻ hồn nhiên: “Cháu rất vui chú ạ", một cậu bé nói. "Chúng tôi cũng rất vui", người thợ lặn đáp. "Cảm ơn chú rất nhiều", một cầu thủ nhí đã nhịn đói 9 ngày trong hang sâu nói và không quên hỏi thăm người thợ lặn tìm ra mình và đồng đội đến từ đâu.

Kể từ ngày 23.6, các cầu thủ đội bóng Lợn Hoang mất tích trong hang Tham Luang, hoạt động tìm kiếm, cứu hộ nhanh chóng trở thành một hoạt động quốc tế lên tới hàng nghìn người, với sự tham gia không chỉ của các lực lượng cứu hộ Thái Lan mà còn có các tình nguyện viên, các chuyên gia từ Australia, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc, trong đó có hơn 30 quân nhân Mỹ.

Những người hùng lập công đầu trong cuộc giải cứu là nhóm 3 thợ lặn người Anh: Robert Harper, Richard Stanton và John Volanthen - những người đầu tiên tìm thấy đội bóng nhí tối 2.7. Đêm 4.7, khi ông Robert Charles Harper, 70 tuổi - người đứng đầu nhóm 3 thợ lặn Anh về nước trước để kiểm tra sức khỏe, giới chức Thái Lan cũng chi tiền mua tặng ông Harper một đôi giày mới, thay đôi cũ đã rách sau nhiều ngày lặn lội trong hang sâu. Không chỉ tặng ông giấy chứng nhận danh dự, Bộ trưởng đích thân đưa tiễn, ông Harper còn được tặng một chiếc áo đen với dòng chữ "người hùng thực sự".

Trong quá trình giải cứu, cộng đồng mạng Thái Lan đặt câu hỏi về trách nhiệm của trợ lý HLV Ekaphol Chantawong trong việc đưa các cậu bé vào hang. Các hãng tin Thái không bác bỏ cáo buộc tội phạm, nhưng Phát ngôn viên Chính phủ Werachon Sukondhapatipak chia sẻ với Guardian rằng "không ai nói về điều đó".

Theo ông Werachon, sự hiện diện của huấn luyện viên là niềm an ủi đối với các cậu bé. “HLV khuyên họ phải nằm xuống, cố gắng thiền, không di chuyển quá nhiều, không lãng phí năng lượng. Và nhờ cách thiền định, họ luôn tỉnh táo" - ông nói.

Ngày 23.6 là sinh nhật lần thứ 16 của cầu thủ nhí Pheeraphat Sompiengjai, hay còn gọi là "Night". Trước khi vào hang, đội bóng đã ghé cửa hàng tiện lợi mua một ít thức ăn nhanh để chúc mừng sinh nhật Night. Nhiều người dự đoán chính số thực phẩm này đã duy trì sự sống của 12 cậu bé và huấn luyện viên trong suốt nhiều ngày không ánh sáng, không lương thực.

Theo các thợ lặn SEAL của Hải quân Thái Lan, Ekkapol đã đưa tất cả đồ ăn nhẹ và nước uống mình mang theo cho các học trò. Vì thế, tình trạng sức khỏe của 13 người mắc kẹt trong hang được tìm thấy không có gì quá nghiêm trọng, chỉ một số ít nằm ở thang màu vàng, trong đó có Ekkapol. Được biết, Ekkapol mồ côi cha mẹ khi mới 10 tuổi và tu tập trong chùa trước khi trở thành trợ lý HLV đội Lợn Hoang.

Theo Straits Times, cha mẹ, người thân của các cầu thủ nhí đội bóng Lợn Hoang đang mắc kẹt trong hang Tham Luang, nói rằng, họ không oán giận trợ lý HLV Ekkapol Chantawong đưa con họ vào hang.

Ông Robert Charles Harper được tặng ảnh lưu niệm ở sân bay. Ảnh: The Nation

Tiền có thể kiếm lại nhưng không thể tạo ra được 13 sinh mạng

Truyền thông địa phương cho hay, 19 máy bơm công suất cao được huy động để giảm mực nước trong hang xuống 1cm mỗi giờ. Gần 20ha đất trồng hoa màu của bác nông dân Lek Lapdaungpoin bị ngập trong nước bơm ra từ hang Tham Luang, còn đàn vịt thả đồng 100 con của ông gần như đã chết hoặc tan tác khi nước từ trong hang Tham Luang được bơm ra ngoài để phục vụ việc giải cứu các cầu thủ đội bóng Lợn Hoang, nhưng ông nói: "Chỉ cần trồng cấy chúng tôi có thể kiếm lại tiền, nhưng 13 sinh mạng là thứ chúng tôi không thể tạo ra”. Vợ ông - bà Koung - nói: "Nhưng chúng tôi không nghĩ về thiệt hại".

Straits Times nhận định, điều này cho thấy nỗ lực của người dân Thái Lan vì các cậu bé mắc kẹt trong hang theo tinh thần "cống hiến và hy sinh" mà Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn biểu dương hôm 5.7.

Bác nông dân Lek là một trong số rất nhiều người hùng đang góp phần giải cứu đội bóng nhí. Đó là bác sĩ quân y Pak Loharnshoon cùng 1 y tá và 7 thợ lặn SEAL đã vào hang lúc 11 giờ sáng 3.7 đã tình nguyện ở lại trong hang để chăm sóc các cậu bé cho tới khi được giải cứu.

Trong đó, không thể không kể tới cựu thợ lặn của đặc nhiệm SEAL Saman Kunan đã thiệt mạng vì hết ôxy trong khi tham gia hỗ trợ giải cứu sáng 6.7. Anh bị bất tỉnh khi trên đường trở về sau khi đưa bình dưỡng khí cho đội bóng nhí.

Cái chết của người lính giải ngũ 38 tuổi tình nguyện đến hang Tham Luang góp sức giải cứu đội bóng nhí cho thấy những nguy hiểm trong chiến dịch và dấy lên những câu hỏi về tính khả thi của việc đưa đội bóng ra ngoài theo cách lặn ra khỏi hang. Ngoài phương án lặn ra khỏi hang, bơm nước và chờ nước rút, phương án khác được giới chức Thái Lan tính tới là tìm kiếm các tuyến đường khác tiếp cận nơi 12 cầu thủ nhí và trợ lý HLV ẩn náu. Trong nỗ lực này, 8 thợ khai thác tổ chim yến người Hồi giáo, ở đảo Libong, tỉnh Trang, ở độ tuổi từ 20-50 đã tình nguyện tới Tham Luang tham gia hỗ trợ giải cứu. Họ là những người có kinh nghiệm trong việc leo các vách núi đá vôi tìm kiếm các khe nứt và hang động.

Theo AFP, dân đảo Libong đã quyên tiền hỗ trợ 8 thợ khai thác tổ yến lộ phí di chuyển tới Chiang Rai làm tình nguyện viên. Chỉ được trang bị đơn giản với dây thừng, găng tay và hiểu biết về rừng núi, những người thợ tìm tổ yến đã hỗ trợ tìm đường tiếp cận các cầu thủ nhí trong hang Tham Laung. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn