MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những phù điêu bí ẩn tại thánh địa Yazilikaya ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Quỹ Nghiên cứu Luwian

Giải mã bí ẩn phù điêu 3.200 tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ

Hải Anh LDO | 17/06/2021 17:16
Các nhà khảo cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, những phù điêu bí ẩn trên đá 3.200 tuổi là bản đồ vũ trụ và lịch của người Hittite cổ đại.

Thánh địa đá Yazilikaya ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, cách Ankara khoảng 160km, được sử gia người Pháp và nhà khảo cổ Charles Texier phát hiện lần đầu tiên năm 1834.

Hơn 90 hình tượng - các vị thần, động vật và quái vật - được chạm khắc cẩn thận trên nền đá vôi trong 2 khoang của khu vực này từ thế kỷ 13 trước Công nguyên và có một ngôi đền ở phía trước.

Là di sản văn hóa được UNESCO công nhận, thánh địa đá Yazilikaya từ lâu được hiểu là địa điểm quan trọng với người Hittite sống ở vùng Anatolia (Tiểu Á) cổ đại. Tuy nhiên, phải mất gần 200 năm, các chuyên gia mới giải mã được những hình tượng này tượng trưng cho điều gì.

Nhóm nghiên cứu quốc tế hiện xác định các bức phù điêu đại diện cho vũ trụ - Trái đất, thiên đường và địa ngục, cũng như mô tả thần thoại sáng tạo cơ bản của người Hittite, từ hỗn mang đến trật tự.

Những bức phù điêu cũng đóng vai trò như một biên niên sử về ngày, tháng và các mùa, giống như một cuốn lịch cổ.

Theo nghiên cứu mới trên tạp chí Journal of Skyscape Archaeology, Yazilikaya là biểu tượng đại diện cho cách người Hittite nhìn nhận vũ trụ.

Tác giả chính của nghiên cứu là Eberhard Zangger, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Luwian ở Zurich, Thụy Sĩ. Ông đã làm việc với nhà khảo cổ học Rita Gautschy để phân tích bố cục và thành phần của những bức phù điêu.

Các bức phù điêu mô tả các cấp độ khác nhau của vũ trụ với địa ngục ở dưới, Trái đất ở trung tâm và bầu trời ở trên cùng với các vị thần quan trọng nhất.

Các phù điêu cũng truyền tải "các quá trình đổi mới và tái sinh theo chu kỳ ngày và đêm, các giai đoạn của Mặt trăng và các mùa" - Eberhard Zangger cho hay.

Theo ông, mỗi hình tượng trong số 90 hình đều gắn với các quá trình kể trên. Một số hình là biểu tượng của các tuần trăng và những thời gian khác nhau trong một năm mặt trời.

Năm 2019, các nhà nghiên cứu cũng từng đề xuất rằng người Hittite sử dụng các hình chạm khắc như một dạng lịch, di chuyển qua lại các vật đánh dấu bằng đá dọc theo những băng ghế bên dưới các hình chạm khắc để theo dõi tiến trình thời gian.

Đám rước các vị thần được chạm khắc trên bức tường phía tây được chia thành 2 nhóm, một nhóm có 12 hình và nhóm còn lại là 30. Trong khi đó, bức tường phía đông có 17 vị thần, nhưng các nhà nghiên cứu Zangger và Gautschy cho rằng, ban đầu có 2 vị thần nữa.

Con số của những vị thần này 30, 12 và 19 - tương ứng với chu kỳ âm lịch và các tháng. Vật đánh dấu dưới mỗi nhóm các vị thần được sử dụng để theo dõi các ngày âm lịch, các tháng và cuối cùng là chu kỳ 19 năm để chỉnh sửa lịch.

Hai nhà nghiên cứu Gautschy và Zangger tin rằng, người Hittite đã sử dụng lễ rước cuối cùng của 19 vị thần để theo dõi tiến trình thông qua chu kỳ Meton và tìm ra thời điểm thêm tháng quan trọng sau mỗi 19 năm.

Cứ sau 19 năm, một tháng bổ sung được thêm vào lịch trong cái gọi là chu kỳ Meton để bắt kịp với năm Mặt trời. Trước đó, có ý kiến rằng lịch dùng chu kỳ Meton phức tạp phải 700 năm sau đó mới được phát minh.

Người Hittite sống ở khu vực ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ và thành lập đế chế vào cuối thế kỷ 17 trước Công nguyên, được cho là vào khoảng năm 1680 và 1650 trước Công nguyên. Người Hittite cai trị phần lớn Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa những năm 1300 trước Công nguyên và cũng như nhiều nơi ở Trung Đông và Thượng Lưỡng Hà.

Cuối cùng, người Hittite bị người Assyria đánh bại vào năm 1180 trước Công nguyên sau đó chia thành các nhóm nhỏ hơn và tồn tại cho đến thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn