MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Siêu tân tinh khổng lồ rực sáng ở 1 thiên hà trong vũ trụ. Ảnh: AFP

Giải mã bí ẩn vũ trụ 900 năm ở Trung Quốc

Thanh Hà LDO | 16/09/2021 14:32
Bí ẩn vũ trụ 900 năm về nguồn gốc siêu tân tinh trên bầu trời Trung Quốc năm 1181 sau Công nguyên cuối cùng đã được giải đáp. 

Nghiên cứu công bố ngày 15.9 trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters cho hay, tinh vân Pa30 bao quanh một trong những ngôi sao nóng nhất Dải Ngân hà mang tên Parkerer's Star, phù hợp với hình dạng, vị trí và tuổi của siêu tân tinh lịch sử.

Chỉ có 5 siêu tân tinh sáng ở Dải Ngân hà trong thiên niên kỷ qua (bắt đầu từ năm 1006). Trong số này, 4 siêu tân tinh đã được các nhà khoa học hiện đại định vị, bao gồm tinh vân Con cua nổi tiếng.

Riêng siêu tân tinh phát hiện ở Trung Quốc, còn được gọi là "Ngôi sao Khách Trung Quốc" vào năm 1181 sau Công nguyên, vẫn còn là một bí ẩn. 

Các nhà thiên văn học đã giải đáp được bí ẩn hơn 900 năm về nguồn gốc siêu tân tinh lần đầu tiên được phát hiện trên Trung Quốc năm 1181. Trong ảnh là tinh vân Pa30 ở 3 phát xạ tia X khác nhau. Ảnh: Đại học Manchester

Ban đầu, các nhà thiên văn Trung Quốc và Nhật Bản đều quan sát được và ghi lại về siêu tân tinh này vào thế kỷ thứ 12. Các nhà thiên văn học khi đó nói rằng, siêu tân tinh sáng như sao Thổ và quan sát được trong suốt 6 tháng. 

Hiện tượng vũ trụ bí ẩn của thế kỷ 12 vẫn chưa có lời giải đáp cho tới khi nhóm thiên văn học quốc tế từ Hong Kong (Trung Quốc), Tây Ban Nha, Anh, Hungary, Pháp công bố phát hiện mới nhất. 

Nhóm nhà thiên văn học quốc tế nhận ra rằng tinh vân Pa30 đang mở rộng với vận tốc cực đại hơn 1.100km/giây. Với tốc độ này, việc di chuyển từ Trái đất đến Mặt trăng sẽ chỉ mất 5 phút. Các nhà thiên văn học dùng vận tốc này và tính ra được tuổi của tinh vân là khoảng 1.000 năm, trừng với các sự kiện năm 1181 sau Công nguyên. 

Trước đây, tinh vân Pa30 và Parker's Star từng được đề xuất là kết quả của sự hợp nhất 2 sao lùn trắng. Những sự kiện như vậy được cho là dẫn đến một loại siêu tân tinh hiếm và tương đối mờ nhạt gọi là siêu tân tinh Loại Iax.

Giáo sư Albert Zijlstra của Đại học Manchester, thành viên nhóm nghiên cứu cho hay:  "Chỉ có khoảng 10% siêu tân tinh thuộc loại này và chúng chưa được hiểu rõ. Thực tế là SN1181 mờ nhưng mờ rất chậm, phù hợp với loại siêu tân tinh này. Đó là sự kiện duy nhất mà chúng ta có thể nghiên cứu cả tinh vân còn sót lại và ngôi sao hợp nhất, đồng thời có mô tả về vụ nổ". 

Giáo sư vật lý thiên văn lưu ý, kết hợp tất cả những thông tin như tuổi, vị trí, độ sáng, thời lượng 185 ngày ghi lại trong lịch sử đã xác định Parker's Star và Pa30 là bản sao của SN1181 - siêu tân tinh Loại Iax duy nhất có thể nghiên cứu chi tiết về ngôi sao và tàn tích tinh vân.

"Thật tuyệt khi có thể giải đáp được cả bí ẩn lịch sử và thiên văn" - Giáo sư Đại học Manchester nói thêm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn