MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mộ cổ Trung Quốc có những bức tranh tường nguyên vẹn. Ảnh: Xinhua

Giải mã chi tiết khác thường trong mộ cổ Trung Quốc

Thanh Hà LDO | 22/07/2024 15:25

Trong mộ cổ Trung Quốc thời nhà Đường được khai quật, có một bức tranh tường mô tả người đàn ông phương Tây có mái tóc vàng.

Mộ cổ thời Đường được khai quật ở Trung Quốc. Trong mộ cổ niên đại từ những năm 700, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy bức tranh tường còn nguyên vẹn, mang tới những góc nhìn chưa từng có về cuộc sống ở Trung Quốc thời cổ đại.

Nhà Đường cai trị phần lớn miền trung và miền đông Trung Quốc ngày nay trong giai đoạn từ năm 618 đến 907. Ngôi mộ cổ này có những bức tranh tường mô tả cuộc sống hàng ngày thời điểm đó. Một bức tranh tường trong mộ cổ này cũng mô tả một "người phương Tây" với mái tóc vàng và có râu. Người đàn ông này có khả năng đến từ Trung Á, Victor Xiong - giáo sư lịch sử tại Đại học Western Michigan, Mỹ, chia sẻ với Live Science.

Mộ cổ được phát hiện năm 2018 trong quá trình làm đường trên sườn đồi ở ngoại ô Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây phía bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ Trung Quốc mới chỉ công bố khi cuộc khai quật hoàn thành vào tháng trước.

Theo Tân Hoa Xã, văn bia trong mộ cổ ghi đây là nơi chôn cất một người đàn ông 63 tuổi qua đời năm 736 và vợ của ông.

Một bức tranh tường trong mộ cổ Trung Quốc thời Đường. Ảnh: Xinhua

Mộ cổ có một khoang bằng gạch, một cánh cửa và một hành lang. Những khung cảnh đời sống thời nhà Đường được tô điểm trên các bức tường của mộ cổ, ở cửa ra vào, hành lang và bệ đặt quan tài. Trần của mộ cổ này cũng được vẽ hình rồng và phượng.

Một số hình vẽ gần cửa của mộ cổ tượng trưng cho những "người gác cửa" hoặc những người bảo vệ ngôi mộ. Theo Tân Hoa Xã, những người gác cửa này mặc áo choàng màu vàng và một số đeo kiếm ở thắt lưng. Những bức tranh tường khác miêu tả khung cảnh thiên nhiên, cảnh đàn ông đập lúa, phụ nữ xay bột, đàn ông làm mì và phụ nữ gánh nước từ giếng.

Tờ SCMP cho hay, những bức tranh tường trong mộ cổ thể hiện phong cách vẽ hình dưới tán cây phổ biến ở vùng Sơn Tây vào thời điểm đó. Đúng như tên gọi, phong cách này có hình ảnh mọi người thực hiện các hoạt động bên dưới những tán cây đẹp mắt.

Nhiều nhân vật trong các bức tranh tường của mộ cổ giống như nam giới và phụ nữ Trung Quốc. Các nhà khảo cổ nhận định, đây có thể là hình vẽ 2 người được chôn cất trong mộ cổ. Trong một khung cảnh, người phụ nữ mặc trang phục rực rỡ đang dẫn 4 con ngựa, bên cạnh là một người đàn ông có râu đang cầm roi.

Những bức tranh tường khác vẽ núi non, cây cối và lạc đà. Trong khi đó, loạt bức tranh quanh quan tài có khả năng đại diện cho chủ nhân của mộ cổ Trung Quốc trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời ông, theo Tân Hoa Xã.

Những bức tranh tường trong mộ cổ dường như được bảo quản rất tốt. Ông Victor Xiong lưu ý, người đàn ông tóc vàng "không phải người Hán" đang dắt lạc đà và có trang phục đặc biệt. “Dựa vào đặc điểm khuôn mặt và phong cách trang phục, chúng tôi có thể xác định đó là người phương Tây, có thể là người Sogdian đến từ Trung Á” - Victor Xiong nói.

Vào thời nhà Đường, người Sogdian là những người buôn bán dọc theo các tuyến đường tơ lụa giữa châu Á và châu Âu, sống chủ yếu ở khu vực ngày nay là Tajikistan và Uzbekistan. Ông Xiong nói thêm, nhiều bức tranh tường thể hiện những hình ảnh “chưa từng thấy trước đây” về công việc và lao động hàng ngày thời nhà Đường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn