MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga phóng tàu thăm dò mặt trăng Luna-25 ngày 11.8.2023. Ảnh: Sputnik

Giải mã cuộc đua trên mặt trăng giữa các cường quốc

Khánh Minh LDO | 13/08/2023 11:00

Nga phóng tàu thăm dò mặt trăng sau 47 năm trong khi các cường quốc khác cũng đang để mắt đến “cơn sốt vàng” trên mặt trăng.

Ngày 11.8, Nga đã phóng tàu thăm dò Luna-25 lên mặt trăng đầu tiên sau 47 năm trong bối cảnh các cường quốc lớn bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang chạy đua để khám phá thêm về các tài nguyên trên vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất.

Nga cho biết sẽ khởi động các sứ mệnh mặt trăng tiếp theo và sau đó khám phá khả năng thực hiện một sứ mệnh phi hành đoàn chung giữa Nga và Trung Quốc, thậm chí là xây dựng một căn cứ trên mặt trăng.

Theo Reuters, năm 2015, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã nói về "cơn sốt vàng mặt trăng" - nơi có hàng trăm tỉ USD tài nguyên chưa được khám phá.

Vậy tại sao các cường quốc lại đặc biệt quan tâm đến mặt trăng?

Mặt trăng

Mặt trăng, cách hành tinh của chúng ta 384.400 km, điều chỉnh sự dao động của trái đất trên trục của nó, đảm bảo khí hậu ổn định hơn. Mặt trăng cũng gây ra thủy triều trong các đại dương trên thế giới.

Mặt trăng được cho là hình thành khi một vật thể khổng lồ va chạm với trái đất khoảng 4,5 tỉ năm trước. Các mảnh vụn từ vụ va chạm đã tập hợp lại với nhau để tạo thành mặt trăng.

Nhiệt độ trên mặt trăng có sự khác biệt rõ rệt: Khi có mặt trời có thể lên tới 127 độ C, trong khi trong bóng tối giảm mạnh xuống khoảng âm 173 độ C. Tầng ngoài của mặt trăng không bảo vệ chống lại bức xạ từ mặt trời.

Nước

Theo NASA, lần đầu tiên nước được phát hiện trên mặt trăng là vào năm 2008. Sứ mệnh Chandrayaan-1 của Ấn Độ đã phát hiện các phân tử hydroxyl trải rộng trên bề mặt mặt trăng và tập trung ở các cực.

Nước rất quan trọng đối với sự sống của con người và cũng có thể là nguồn hydro và ôxy - những thứ này có thể được sử dụng làm nhiên liệu tên lửa.

This browser does not support the video element.

Ấn Độ công bố những hình ảnh đầu tiên của sứ mệnh mặt trăng Chandrayaan-3 ngày 5.8.2023. Video: Twitter Chandrayaan-3

Helium-3

Helium-3 là một đồng vị của helium rất hiếm trên trái đất, nhưng NASA cho biết ước tính có khoảng 1 triệu tấn chất này trên mặt trăng.

Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), helium-3 có thể cung cấp năng lượng hạt nhân trong lò phản ứng nhiệt hạch, nhưng vì nó không có tính chất phóng xạ nên sẽ không tạo ra chất thải nguy hiểm.

Đất hiếm

Theo nghiên cứu của Boeing, các kim loại đất hiếm - được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy tính và công nghệ tiên tiến - hiện có trên mặt trăng, bao gồm scandium, yttrium và 15 lanthanides.

Khai thác mặt trăng diễn ra thế nào?

Hiện vẫn chưa rõ cách thức khai thác mặt trăng.

Để thực hiện điều này, cần thiết lập một số loại cơ sở hạ tầng trên mặt trăng. Do các điều kiện trên mặt trăng, robot sẽ phải làm hầu hết các công việc nặng nhọc, mặc dù nước trên mặt trăng sẽ cho phép con người hiện diện lâu dài.

Luật khai thác mặt trăng

Luật khai thác mặt trăng hiện không rõ ràng và nhiều lỗ hổng.

Hiệp ước ngoài không gian năm 1966 của Liên Hợp Quốc nói rằng không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với mặt trăng - hoặc các thiên thể khác - và việc khám phá không gian nên được thực hiện vì lợi ích của tất cả các quốc gia.

Nhưng các luật sư cho biết, không rõ liệu một thực thể tư nhân có thể tuyên bố chủ quyền đối với một phần của mặt trăng hay không.

Thỏa thuận Mặt trăng năm 1979 tuyên bố rằng không một phần nào của mặt trăng "sẽ trở thành tài sản của bất kỳ quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ hoặc phi chính phủ, tổ chức quốc gia hoặc tổ chức phi chính phủ hoặc của bất kỳ cá nhân nào".

Thỏa thuận chưa được phê chuẩn bởi bất kỳ cường quốc không gian lớn nào.

Năm 2020, Mỹ công bố Hiệp định Artemis - được đặt tên theo chương trình mặt trăng Artemis của NASA - nhằm tìm cách xây dựng dựa trên luật vũ trụ quốc tế hiện hành bằng cách thiết lập “các vùng an toàn” trên mặt trăng. Nga và Trung Quốc không tham gia hiệp định này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn