MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vật thể liên sao bí ẩn Oumuamua. Ảnh: AGU.

Giải mã nguồn gốc vật thể liên sao bí ẩn Oumuamua

Thanh Hà LDO | 18/03/2021 07:49
Vật thể liên sao Oumuamua được nhìn thấy lần đầu tiên di chuyển với tốc độ nhanh qua hệ mặt trời vào tháng 10.2017 và các nhà thiên văn học đã nỗ lực giải mã vật thể bí ẩn này.

Vật thể liên sao Oumuamua di chuyển với vận tốc lên tới 315.431 km/h, do đó các nhà khoa học đang chạy đua để quan sát trước khi vật thể bí ẩn này biến mất. Nghiên cứu mới nhất cho thấy, vật thể liên sao Oumuamua là mảnh vỡ của một hành tinh giống sao Diêm Vương từ một hệ mặt trời khác.

Steven Desch và Alan Jackson, hai nhà vật lý thiên văn tại Trường Thám hiểm Không gian và Trái đất thuộc Đại học bang Arizona, đã nghiên cứu các quan sát về những đặc điểm bất thường của Oumuamua. Phát hiện của họ được công bố hôm 16.3 trong hai nghiên cứu trên tạp chí Nghiên cứu Địa vật lý: Các hành tinh của Liên minh Địa vật lý Mỹ.

Sau khi được phát hiện, vật thể liên sao này được đặt tên là "Oumuamua" - từ trong tiếng Hawaii có nghĩa là "một sứ giả hướng tới từ quá khứ xa xôi".

Ban đầu, các nhà thiên văn học dự đoán Oumuamua là một sao chổi bởi sao chổi có thể bị văng ra khỏi hệ thống vật chủ thông qua nhiễu động trọng trường và dễ quan sát thấy.

Vật thể liên sao thứ hai được phát hiện trong hệ mặt trời là một sao chổi giữa các vì sao, được đặt tên là 2I/Borisov, được quan sát thấy năm 2019.

Thêm vào đó, Oumuamua không có đuôi như sao chổi. Vật thể liên sao này có hình điếu xì gà dài, bằng đá màu hơi đỏ và khô, có độ dày như một tòa nhà 3 tầng và chiều dài bằng nửa thành phố có cách di chuyển lộn nhào không thể lý giải được.

Các nhà khoa học đã tranh luận về việc gọi vật thể này là tiểu hành tinh liên sao hay sao chổi. Thậm chí, có suy đoán rằng Oumuamua là một loại tàu thăm dò của người ngoài hành tinh.

Oumuamua khác với sao chổi ở một số điểm, trong đó vật thể này di chuyển với vận tốc thấp hơn khi đi vào hệ mặt trời. Nếu vật thể này đã di chuyển trong không gian liên sao trong hơn 1 tỉ năm như sao chổi, vận tốc di chuyển sẽ cao hơn.

Hình dạng của vật thể liên sao này dẹt giống như một chiếc bánh kếp trong khi sao chổi giống như những quả cầu tuyết vũ trụ. Oumuamua cũng nhận được một lực đẩy khá lớn, được gọi là "hiệu ứng tên lửa", lớn hơn những gì sao chổi trải qua do băng đá bốc hơi lúc gần mặt trời.

Nghiên cứu trước đây cho rằng nước ngưng tụ giúp đẩy vật thể. Trong nghiên cứu của Desch và Jackson, hai học giả nhận thấy rằng nitơ rắn phù hợp nhất với chuyển động của Oumuamua. Vật thể này cũng sáng bóng, có cùng hệ số phản xạ với các vật thể khác làm bằng băng nitơ.

Trong hệ mặt trời, mặt trăng Titan của sao Thổ và sao Diêm Vương chủ yếu được bao phủ bởi băng nitơ. Nếu vật thể này chủ yếu được cấu tạo từ băng nitơ, có thể một phần rắn của vật thể này đã tách ra khỏi một hành tinh giống sao Diêm Vương sau khi bị va chạm trong một hệ hành tinh khác.

Điều tương tự từng xảy ra trong hệ mặt trời liên quan tới sao Diêm Vương và các vật thể trong vành đai Kuiper băng giá. Vành đai xa xôi của các vật thể ở rìa hệ mặt trời từng có khối lượng lớn hơn hiện nay. Khi di chuyển ra ngoài hệ mặt trời hàng tỉ năm trước, sao Hải Vương đã phá vỡ quỹ đạo của những vật thể này. Hàng nghìn vật thể tương tự như sao Diêm Vương, được bao phủ trong lớp băng nitơ, đã va chạm vào nhau.

Nếu điều này từng xảy ra trong hệ mặt trời, khả năng cao sự kiện tương tự cũng xảy ra ở các hệ mặt trời khác. Điều này có nghĩa là "Oumuamua có thể là mẫu đầu tiên của một hành tinh ngoài hệ mặt trời được sinh ra quanh một ngôi sao khác, được đưa đến trái đất", các tác giả viết trong nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu ước tính, việc Oumuamua gặp mặt trời khiến vật thể bí ẩn này mất đi 95% khối lượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn