MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng tỉ con giun băng ngoi lên mặt băng núi Rainier mỗi khi mùa hè tới. Ảnh: Scott Hotaling/Washington State University

Giải mã sinh vật băng bí ẩn nhất thế giới, hàng tỉ con ngoi lên mỗi mùa hè

Bảo Châu LDO | 27/08/2021 08:57

Giun băng đen dường như là loài sinh vật bí ẩn nhất thế giới, sống trong băng tuyết và mỗi năm ngoi lên mặt băng 1 lần.

Núi Rainier đầy băng tuyết cao nhất ở tiểu bang Washington, Mỹ, thoạt nhìn có vẻ như không có sự sống, cho đến khi hàng tỉ con giun băng nổi lên vào mỗi mùa hè.

Khi mặt trời chiếu xuống các sông băng, hàng tỉ con giun băng nhỏ xíu như những sợi chỉ đen bên trong lớp băng tuyết bắt đầu luồn lách để ngoi lên bề mặt. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải được hiện tượng này.

Giun băng có tên khoa học là Mesenchytraeus solifugus. Đây là loài giun duy nhất được khoa học biết đến là sống cả đời trong băng. Trước thực trạng các sông băng trong khu vực thu hẹp do hiện tượng ấm lên toàn cầu, những con giun này bị đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Loài giun nhỏ bé này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1898, nhưng do có rất ít người chú ý đến nên không có nhiều thông tin về chúng. Trong thực tế, đây dường như là loài có số lượng đông đảo nhất sống trong các sông băng.

Giới khoa học vẫn không biết tại sao chúng lại nổi lên vào mùa hè, hoặc tại sao chúng lại sống phần lớn cuộc đời ẩn sâu trong băng. Và chúng hoạt động ở bên dưới lớp băng như thế nào trong một thời gian dài hoàn toàn là một bí ẩn. 

Giun băng là một loài sinh vật bí ẩn, còn nhiều điều khoa học chưa biết đến. Ảnh: Scott Hotaling/Washington State University

Tuy nhiên, những thông tin ít ỏi có được về giun băng lại rất đáng kinh ngạc.

Nhà sinh vật học Scott Hotaling tại Đại học bang Washington, Mỹ, là một trong số những nhà khoa học đang tích cực nghiên cứu về loài giun băng.

Hotaling giải thích, loài giun băng vùi mình giữa lớp băng tuyết giá lạnh nhưng về cơ bản vẫn trong ngưỡng chịu đựng của chúng. Giống như những chiếc lều tuyết, nhiệt độ bên ngoài có thể lên tới âm 40 độ C nhưng bên trong chỉ khoảng 0 độ. Nghịch lý thay, khi ngoi lên bề mặt băng vào mùa hè, việc tiếp xúc với gió lạnh mới là nguyên nhân khiến chúng có nguy cơ bị đông cứng nhất.

Hotaling cho rằng hành vi ngoi lên vào mùa hè của loài giun này giống với người anh em họ xa của chúng là giun đất. Giun băng luồn qua kẽ băng, ăn các vi khuẩn và tảo ở phía trước và thải chất thải ra phía sau. Những gì chúng làm trong suốt mùa đông mới là "bí ẩn cuối cùng", theo ông Hotaling. Mặc dù nhà khoa học này rất muốn biết câu trả lời, nhưng việc giun băng vùi mình dưới lớp tuyết dày hàng chục mét trong phần lớn thời gian, khiến chúng trở nên rất khó nắm bắt.

Giun băng ngoi lên mặt đất mỗi năm 1 lần vào mùa hè. Ảnh: AccuWeather 

Phổ biến khắp Alaska và Tây Bắc Thái Bình Dương, nhưng giun băng chỉ sinh sống giới hạn trong các môi trường băng rất cụ thể, như rìa giữa các khu rừng núi cao và các đỉnh núi băng giá. 

Nhà sinh vật học Hotaling cho biết: “Bằng chứng di truyền ít ỏi của chúng tôi cho thấy rằng giun băng có thể đã bao phủ khắp nơi trong thời kỳ băng hà cuối cùng. Khi các sông băng rút đi vào cuối kỷ Pleistocen khoảng 20.000 năm trước, loài giun này bị bỏ lại trên các đỉnh núi cô lập và phát triển mạnh kể từ đó.

Hotaling lưu ý rằng giun băng có thể là nguồn thức ăn quan trọng cho các loài chim chống chọi với giá lạnh. 

Mặc dù không có nhiều thông tin về loài giun băng, nhưng rõ ràng chúng là một phần quan trọng của một hệ sinh thái khắc nghiệt. Khi các sông băng dần tan chảy, môi trường sống biến mất khiến loài giun băng có nguy cơ biến mất theo. Nhà sinh vật học Hotaling nhận thức sâu sắc rằng nghiên cứu của ông không còn nhiều thời gian. 

“Đây là một trong số những môi trường sống thay đổi nhanh chóng nhất trên Trái đất, nhưng chúng ta biết quá ít về chúng'' - nhà sinh vật học cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn