MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nước Arab yêu cầu đóng căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar. Ảnh: Reuters

“Giải mã” yêu sách đòi Qatar đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ của các nước Arab

Hà Liên LDO | 10/07/2017 06:30
Nhà phân tích chính trị người Qatar Muhammed al Musaffir đã có những nhận định về yêu cầu đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar do Saudi Arabia và các đồng minh đưa ra.

Sẵn sàng đóng căn cứ nếu Qatar yêu cầu

Ngày 5.7, trước khi lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tái khẳng định nước này ủng hộ chính quyền Doha, và Ankara sẽ đóng cửa căn cứ quân sự tại đây nếu giới chức Qatar yêu cầu.

Tuyên bố của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong bối cảnh trong tối hậu thư mà các nước Arab (Saudi Arabia, Bahrain, UAE và Ai Cập) đưa ra với Qatar có nội dung yêu cầu đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Doha đã bác bỏ tối hậu thư trên.

Trả lời phỏng vấn kênh France 24, Pháp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhận định: “Nhắc đến tối hậu thư 13 điểm, thật không thể chấp nhận được dưới bất kỳ tình huống nào”. Cùng ngày, ông Recep Tayyip Erdogan phát biểu trên tờ Die Zeit, Đức rằng, “những gì đang diễn ra với Qatar đi ngược lại với luật pháp quốc tế”. Ông cho rằng việc các nước Arab yêu cầu đóng căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar thể hiện “sự thiếu tôn trọng” nước này và Qatar.

“Quân đội Mỹ cũng hiện diện ở đó, với 9.000 binh sĩ, quân đội Pháp cũng vậy… Tại sao Saudi và đồng minh lại chỉ khó chịu với chúng tôi mà không phải những căn cứ kia? Điều này là không thể chấp nhận được”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP

Không liên quan đến khủng hoảng

Nhà phân tích chính trị người Qatar Muhammed al Musaffir chia sẻ với Sputnik rằng sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar “không liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong khu vực”.

“Thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được từ năm 2014. Theo thỏa thuận, các cố vấn quân sự của Thổ đã tới Qatar. Ngay trước cuộc khủng hoảng, Ankara và Doha đã tổ chức tập trận chung. Qatar cũng tổ chức diễn tập quân sự với các quốc gia khác ở vịnh Ba Tư. Cần lưu ý, Saudi Arabia cũng có thỏa thuận quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Muhammed al Musaffir cho hay.

Đề cập tới chỉ trích thỏa thuận giữa Thổ và Qatar mới được thực hiện, nhà phân tích chính trị người Qatar giải thích việc thực hiện các thỏa thuận cần có thời gian. Thỏa thuận ký năm 2014-2015 nhưng vào tháng 7.2016 xảy ra đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, các thỏa thuận được phê chuẩn và rồi cuộc khủng hoảng nổ ra.

“Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ Qatar. Theo thỏa thuận, đây là một sự hỗ trợ công khai. Thổ Nhĩ Kỳ không đe dọa đến an ninh của khu vực. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều có quân đội hùng hậu vốn dĩ Qatar không thể so với. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần thỏa thuận quân sự tương tự để có thể có lợi thế chắc chắn hơn", ông Muhammed al Musaffir nói.

Đóng cửa căn cứ Thổ Nhĩ kỳ nhằm suy yếu Qatar?

Tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, việc yêu cầu Doha đóng cửa căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ dường như nhằm mục đích làm suy yếu Qatar. Ảnh: Reuters

Theo tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ, nước này có 3 căn cứ quân sự ở nước ngoài. Một căn cứ nằm ở Bashiqa, miền bắc Iraq – một trung tâm đào tạo chống khủng bố IS. Căn cứ thứ hai nằm tại Somalia, nhằm huấn luyện quân đội nước sở tại trong chiến dịch giúp Somalia về chính trị, kinh tế, xã hội để giải quyết các mối đe dọa sự bất ổn, khủng bố và đói nghèo. Căn cứ quân sự thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài nằm tại Qatar. Các hoạt động để thiết lập căn cứ này bắt đầu từ năm 2014 trong nỗ lực hỗ trợ an ninh cho Doha. Hơn 80 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai tại căn cứ này từ trước khi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh nổ ra.

Chỉ 3 ngày sau khi Saudi Arabia và các nước Arab khác tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar, ngày 7.6, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có thỏa thuận nhanh chóng với Qatar về việc thành lập một căn cứ quân sự bên ngoài Doha. Sau khi được Quốc hội thông qua, 23 binh sĩ bổ sung và 5 xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai tại Doha vào ngày 18. Khi đó, tờ Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ thông tin số binh sĩ nước này cử đến Qatar có thể lên tới 1.000.

Theo Cơ quan truyền thông Bộ Quốc phòng Qatar, 3 nhóm quân Thổ Nhĩ Kỳ đã đến căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar, tham gia huấn luyện theo các thỏa thuận chung và cuộc tập đầu tiên tại doanh trại quân đội Tariq bin Ziyad ở Doha.

“Tại sao họ yêu cầu đóng căn cứ quân sự ở Qatar? Tại sao các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) không bận tâm đến các căn cứ quân sự của Mỹ ở Doha mà lại muốn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rời đi?”, tờ Daily Sabah đặt câu hỏi.

"Sẽ là sai lầm khi khẳng định rằng yêu cầu này phản ánh quan điểm chung của các nước với Thổ Nhĩ Kỳ. Xem xét kỹ hơn các yêu cầu của những nước này với Qatar có thể thấy rằng họ thực sự tin Doha đe dọa lợi ích thiết yếu của họ. Do đó, họ muốn Qatar phụ thuộc về ngoại giao và kinh tế vào Saudi Arabia và các nước. Điều đó có nghĩa là không thể để các mối quan hệ, với bất kỳ quốc gia nào, làm gia tăng sức mạnh cho Doha. Nói cách khác, yêu cầu đóng cửa căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhằm mục đích làm suy yếu Qatar chứ không phải để xác thực những mối đe doạ từ Thổ Nhĩ Kỳ”, tờ Daily Sabah kết luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn