MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 19.9. Ảnh: AP

Giải pháp hạt nhân Iran - Triều Tiên: Đã khó càng thêm rối

VÂN ANH LDO | 22/09/2017 13:30

Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang tham gia đầy đủ vào hai cuộc đối đầu hạt nhân, một là với Iran về thoả thuận hạt nhân mà ông gọi là “nỗi hổ thẹn”, hai là với Triều Tiên mà lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ Lầu Năm Góc phải tính đến phương án quân sự.

Mâu thuẫn

Mặc dù hai cuộc đối đầu này hoàn toàn khác nhau, nhưng chúng lại phụ thuộc lẫn nhau một cách kỳ lạ. Nếu ông Donald Trump thực hiện lời đe doạ rút khỏi thoả thuận hạt nhân năm 2015 mà Iran ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức), thì làm cách nào có thể thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng Mỹ sẽ tôn trọng cam kết hội nhập Triều Tiên vào cộng đồng thế giới, nếu nước này chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân?

“Nếu Tổng thống Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran mặc dù Iran tuân thủ các điều khoản, thì điều đó sẽ làm cho giải pháp ngoại giao về Triều Tiên gần như không thể thực hiện được vì uy tín của Mỹ đâu còn nữa” - tờ New York Times dẫn lời bà Wendy R.Sherman - Trưởng đoàn đàm phán thoả thuận hạt nhân Iran - 
nhận định.

Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng thoả thuận này không phải là một giải pháp lâu dài cho vấn đề hạt nhân của Iran, mà chỉ là tạm thời. “Nếu chúng ta tuân thủ thoả thuận Iran thì phải có sự thay đổi” - Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu trên Fox News hôm 19.9. Một ngày sau đó, trong cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Iran tại Liên Hợp Quốc, ông Tillerson nói rằng, các điều khoản hết hiệu lực trong thoả thuận, mà theo đó những giới hạn trong chương trình làm giàu hạt nhân của Iran sẽ được dỡ bỏ sau năm 2025, là không chấp nhận được.

Lập luận của ông Donald Trump còn đi xa hơn. Trong các cuộc phỏng vấn với tờ New York Times vào năm ngoái, ông Donald Trump chỉ trích thoả thuận này không giải quyết được vấn đề khả năng tên lửa của Iran, việc giam giữ công dân Mỹ và sự hỗ trợ của Iran với các nhóm khủng bố ở Trung Đông. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19.9, Tổng thống Mỹ gọi thỏa thuận quốc tế năm 2015 này là “nỗi hổ thẹn”. Đáp trả ngay tại diễn đàn, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, Iran sẽ không phải là nước đầu tiên vi phạm thỏa thuận, khẳng định rằng Iran sẽ không dễ bị bắt nạt bởi một người “bất hảo” mới bước vào chính trường thế giới - nhắc lại cụm từ “nhà nước bất hảo” mà ông Donald Trump đã gán cho Iran.

Khép chặt cánh cửa hẹp

Về phần Triều Tiên, hôm 19.9, cả thế giới sững sờ khi lần đầu tiên trong lịch sử một vị Tổng thống Mỹ đưa ra lời đe doạ “huỷ diệt hoàn toàn” Triều Tiên, một quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc. Trong khi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi một giải pháp chính trị để tránh một cuộc chiến tranh với Triều Tiên, thì Tổng thống Donald Trump dường như đã khép chặt hơn nữa cánh cửa đối thoại với Triều Tiên bằng lời đe doạ nói trên. Khi phát biểu như vậy, ông Donald Trump dường như muốn thể hiện quyết tâm ngăn chặn vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bằng mọi giá, dù chính quyền Mỹ biết rằng hiện nay họ không thể chọn ngay giải pháp quân sự, vì còn liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có sự an nguy của đồng minh Mỹ trong khu vực.

Tệ hơn, việc ông Donald Trump so sánh Triều Tiên với Iran, cùng gán cho Triều Tiên và Iran là “nhà nước bất hảo”, có thể khiến cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un càng thấy cần phải trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để đối đầu với Mỹ - chuyên gia Mark Fitzpatrick, thuộc Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS) - nhận định. “Triều Tiên không thể nào thương lượng một thoả thuận tương tự với Mỹ để rồi cũng sẽ có chung số phận với Iran” - ông Fitzpatrick nói, và bổ sung rằng, Tổng thống Donald Trump đã gây thêm khó khăn cho chiến lược về Triều Tiên của Mỹ.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã đưa ra phản ứng đầu tiên của nước này đối với lời đe dọa “huỷ diệt hoàn toàn” của Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Nếu ông ấy nghĩ rằng có thể khiến chúng tôi sợ hãi với những lời đe dọa như vậy thì đó thực sự là một giấc mơ viển vông” - Yonhap dẫn lời ông Ri Yong-ho nói tại New York. Trong lời đáp trả, ông Ri Yong-ho đã sử dụng một câu tục ngữ của Triều Tiên có nội dung ám chỉ việc sẽ tiếp tục đi con đường của mình bất chấp mọi trở ngại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn