MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ba tòa tháp: Allianz, Libeskind và Generali giữa làn khói và sương mù dày đặc ở Milan, Italia ngày 8.1. Ảnh: Reuters

Giảm ô nhiễm không khí ở miền bắc Italia sau phong tỏa

Phương Linh LDO | 14/03/2020 12:00
Ô nhiễm không khí ở miền bắc Italia đã giảm sau khi chính phủ áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn virus SARS-CoV-2.

Reuters dẫn hình ảnh từ vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu hôm 13.3 cho thấy tình hình, minh chứng mới về tác động tiềm tàng của đại dịch đối với khí thải.

Trung Quốc, nơi đại dịch COVID-19 bắt đầu, đã chứng kiến ô nhiễm giảm rõ rệt sau khi chính phủ áp đặt lệnh kiểm dịch và hạn chế đi lại. Hiện, dữ liệu từ Italia, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cũng cho thấy một mô hình tương tự.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết đã quan sát thấy sự sụt giảm đáng kể lượng khí thải NO2, một loại khí độc hại được phát ra từ các nhà máy sản xuất điện, xe hơi và nhà máy, tại khu vực Thung lũng Po ở miền bắc Italia.

“Mặc dù có thể có sự thay đổi nhỏ trong dữ liệu do mây che và thời tiết thay đổi, nhưng chúng tôi rất tin tưởng việc giảm khí thải mà chúng ta nhìn thấy trùng hợp với việc phong tỏa ở Italia khiến các hoạt động giao thông và công nghiệp ít hơn”, ông Claus Zehner, thuộc cơ quan quản lý hoạt động vệ tinh Copernicus Sentinel-5P, cho biết.

ESA đã đưa ra một hình ảnh động cho thấy mức phát thải NO2 trên khắp Châu Âu từ ngày 1.1 đến ngày 11.3, sử dụng tần suất trung bình 10 ngày dịch chuyển, cho thấy rõ mức độ ô nhiễm đã giảm ở phía bắc Italia.

Ảnh chụp vệ tinh hiển thị mức khí thải NO2 trên khắp Châu Âu vào tháng 1. Ảnh: Reuters

Italia là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 ở Châu Âu, với ít nhất 17.660 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 1.000 người chết. Chính phủ Italia đã phải áp đặt các biện pháp kiểm soát được coi là nghiêm ngặt nhất đối với một quốc gia phương Tây kể từ Thế chiến thứ hai.

Các nhà nghiên cứu tác động của khí thải từ công nghiệp và giao thông đối với biến đổi khí hậu và sức khỏe con người đang nỗ lực tìm hiểu những tác động có thể xảy ra của đại dịch khi mà các nền kinh tế tăng trưởng chậm, các chuyến bay bị gián đoạn và áp dụng kiểm dịch.

Tại Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch của Phần Lan cho biết lượng khí thải CO2 giảm một phần tư, hoặc ước tính 200 triệu tấn trong 4 tuần tính đến ngày 1.3 – tương đương khoảng một nửa lượng thải ra trong một năm của nước Anh.

Dữ liệu vệ tinh cũng cho thấy lượng khí thải NO2 của Trung Quốc giảm mạnh, bắt đầu từ Vũ Hán và sau đó lan rộng ra các thành phố khác, bao gồm cả thủ đô, đáng chú ý trong hai tuần giữa tháng 2.

Tổ chức Y tế Thế giới hôm 13.3 cho rằng Châu Âu hiện đã trở thành tâm chấn của đại dịch COVID-19, cướp đi 5.000 sinh mạng trên toàn thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn