MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo hoàng Francis tại Vatican ngày 9.3.2024. Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis kêu gọi Ukraina “giương cờ trắng”

Ngọc Vân LDO | 10/03/2024 11:19

Giáo hoàng Francis dùng từ “giương cờ trắng” với Ukraina và đề nghị làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraina và Nga.

Giáo hoàng cũng đồng thời lưu ý, Ukraina phải tìm được “dũng khí” để thừa nhận rằng, không thể đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ của mình.

Giáo hoàng Francis đưa ra những nhận xét trên trong cuộc phỏng vấn được ghi hình vào tháng trước với đài phát thanh truyền hình Thụy Sĩ Radio Television Suisse (RTS).

Giáo hoàng Francis cho hay, cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm qua đã giết chết hàng chục nghìn người mà không có hồi kết trừ khi có một thỏa thuận hòa bình.

Người phát ngôn của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky không bình luận ngay lập tức khi được hỏi về nhận xét của Giáo hoàng.

Trong cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn hỏi Giáo hoàng Francis: “Ở Ukraina, một số người kêu gọi lòng dũng cảm đầu hàng - lá cờ trắng. Ngài nghĩ sao?”

Giáo hoàng trả lời: “Đó là một cách giải thích, điều đó đúng. Nhưng tôi tin rằng, người mạnh hơn là người nhìn rõ hoàn cảnh, biết nghĩ đến dân, có dũng khí cầm cờ trắng để đàm phán. Và ngày nay, các cuộc đàm phán có thể thực hiện được với sự giúp đỡ của các cường quốc quốc tế. Khi thấy mình bại trận, mọi việc không được suôn sẻ thì cần phải có dũng khí để thương lượng, đàm phán kịp thời. Hãy tìm một quốc gia nào đó có thể làm trung gian. Ngày nay, chẳng hạn như trong cuộc chiến ở Ukraina, có rất nhiều người muốn làm trung gian. Thổ Nhĩ Kỳ đã tự đề nghị cho việc này. Và những người khác. Đừng xấu hổ khi đàm phán, trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn" - Giáo hoàng nói.

Đây là lần đầu tiên Giáo hoàng Francis được cho là sử dụng những thuật ngữ như “cờ trắng” hay “bại trận” khi thảo luận về cuộc chiến Ukraina, mặc dù trước đây, ông đã từng nói về sự cần thiết của đàm phán.

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni cho hay, Giáo hoàng đã chọn hình ảnh lá cờ trắng, do người phỏng vấn đề xuất, để biểu thị chấm dứt chiến sự, một thỏa thuận ngừng bắn đạt được nhờ sự can đảm của đàm phán. Hy vọng của Giáo hoàng là một giải pháp ngoại giao cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài.

Năm ngoái, Giáo hoàng 87 tuổi đã cử một đặc phái viên hòa bình, Đức Hồng y người Italy Matteo Zuppi, đến Kiev, Mátxcơva và Washington để thăm dò các nhà lãnh đạo ở các quốc gia này.

Ngày 8.3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Ukraina và Nga nhằm chấm dứt xung đột.

Tổng thống Erdogan đưa ra lời đề nghị mới sau cuộc gặp ở Istanbul với người đồng cấp Ukraina Volodymyr Zelensky. Nhà lãnh đạo Kiev tuyên bố, dù muốn hòa bình nhưng ông sẽ không từ bỏ bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ.

Kế hoạch hòa bình của ông Zelensky là quân đội Nga rút khỏi toàn bộ Ukraina và khôi phục hoàn toàn biên giới quốc gia.

Điện Kremlin đã loại trừ việc tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình nếu các điều khoản được Kiev soạn thảo.

Trong một phần khác của cuộc phỏng vấn, khi nói về cuộc chiến giữa Israel và Hamas, Giáo hoàng Francis khẳng định: “Thương lượng không bao giờ là đầu hàng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn