MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giao thông tê liệt ở sân bay Brandenburg, Berlin, Đức trong cuộc đình công ngày 25.1.2023. Ảnh: Xinhua

Giao thông Đức có thể tê liệt trong cuộc đình công lớn nhất nhiều thập kỷ

Ngọc Vân LDO | 27/03/2023 09:37
Nước Đức có thể bị “tê liệt” vào ngày 27.3 khi nhân viên giao thông công cộng tổ chức cuộc đình công lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Ngày 26.3, tờ Bild cảnh báo, các phương tiện giao thông công cộng trên khắp nước Đức sẽ ngừng hoạt động vào ngày 27.3, có khả năng khiến quốc gia 83 triệu dân rơi vào tình trạng “giao thông hỗn loạn”. 

Cái được gọi là cuộc đình công toàn quốc lớn nhất trong nhiều thập kỷ được một số công đoàn hùng mạnh tổ chức.

Tất cả dịch vụ tàu hỏa đường dài của nhà điều hành đường sắt quốc gia Đức, Deutsche Bahn, sẽ bị đình chỉ hoàn toàn vì cuộc đình công. Dịch vụ đường sắt khu vực sẽ bị cắt giảm đáng kể, trong khi các chuyến tàu ngắn chạy trong thành phố - được gọi là S-Bahn ở Đức - cũng sẽ không hoạt động.

Tạp chí Stern của Đức đưa tin, tại bảy bang của Đức: Baden-Wuerttemberg, Hesse, Lower Saxony, North Rhine-Westphalia, Sachsen, Rhineland-Palatinate và một phần của Bavaria, các công nhân vận tải địa phương cũng sẽ tham gia đình công - nghĩa là tất cả phương tiện giao thông bằng xe buýt, xe lửa và xe điện có khả năng bị đình trệ.

Hiệp hội sân bay Đức ADV ước tính khoảng 380.000 du khách sẽ không thể bay trong ngày 27.3 vì cuộc đình công. Điều này diễn ra trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh ở Đức, bắt đầu vào ngày 27.3 ở Lower Saxony và thành phố Bremen.

Tạp chí Stern cảnh báo về "sự hỗn loạn giao thông" trên đường cao tốc, trong khi tờ Bild gọi cuộc đình công theo kế hoạch là "cuộc đình công tồi tệ nhất trong 31 năm", nói thêm rằng lần cuối cùng nước Đức trải qua điều tương tự là vào năm 1992. Stern cũng mô tả đó là "lời tuyên chiến với... các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng của đất nước”.

Sân ga trống trơn trong cuộc đình công của những người lái tàu tại nhà ga trung tâm Berlin ở Berlin, Đức, ngày 11.8.2021. Ảnh: Xinhua

Cuộc đình công là kết quả của yêu cầu tăng lương do một số công đoàn lớn đưa ra. Công đoàn dịch vụ công Verdi tìm cách tăng lương 10,5%, nhưng không dưới 500 euro cho khoảng 2,5 triệu công chức. Công đoàn đường sắt và vận tải EVG yêu cầu tăng lương 12% nhưng không dưới 650 euro. Các công đoàn đổ lỗi cho lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao gây ra cuộc khủng hoảng.

Frank Werneke - chủ tịch công đoàn Verdi - cho biết cần phải có mức lương tối thiểu “đủ cao” đối với những người lao động có thu nhập từ thấp đến trung bình để vượt qua tác động của bão giá. “Họ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát. Mọi người phải lấp đầy tủ lạnh. Giá thực phẩm đã tăng mạnh, cũng như điện và khí đốt” - ông Werneke lập luận.

Đức - cùng với các quốc gia EU khác - đã gặp khó khăn kinh tế vào năm ngoái khi khối này bắt tay vào việc giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga. 

Mặc dù EU không cấm nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga, nhưng dòng chảy đã giảm đáng kể do các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraina và vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream

Đầu tháng 3, Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo cảnh báo rằng Đức có thể đối mặt với suy thoái kinh tế vào năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn