MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vaccine COVID-19 của AstraZeneca nhận được sự ủng hộ của nhiều quan chức y tế trên thế giới. Ảnh: AFP

Giới chức y tế toàn cầu ủng hộ vaccine COVID-19 của AstraZeneca

Phương Linh LDO | 09/02/2021 14:59

Các quan chức y tế trên toàn cầu đã lên tiếng ủng hộ vaccine AstraZeneca sau nghiên cứu cảnh báo ở Nam Phi.

Reuters đưa tin, Nam Phi hôm 7.2 đã tuyên bố tạm hoãn sử dụng vaccine AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng sau khi một nghiên cứu công bố vaccine này không mang lại tác dụng đáng kể trong phòng chống nguy cơ mắc COVID-19 mức độ nhẹ hoặc trung bình do biến thể Nam Phi, kí hiệu 501Y.V2, gây ra.

Ông Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng Dịch bệnh (CEPI), một tổ chức sáng lập đồng lãnh đạo chương trình COVAX toàn cầu để cung cấp vaccine công bằng cho các quốc gia, cho biết: “Còn quá sớm để loại bỏ vaccine này''.

Hơn 330 triệu liều vaccine của AstraZeneca chiếm phần lớn trong số lượng vaccine mà COVAX đặt mục tiêu sẽ triển khai trong giai đoạn đầu tiên ở các nước nghèo, sẽ được bắt đầu ngay trong tháng 2.

Giáo sư Salim Abdool Karim, đồng chủ tịch Ủy ban Cố vấn cấp Bộ trưởng của Nam Phi về COVID-19, cho biết còn quá sớm để kết luận rằng AstraZeneca sẽ không ngăn ngừa được tình trạng nghiêm trọng do biến thể Nam Phi gây ra.

Nếu vaccine AstraZeneca không hoạt động tốt trong việc chống lại các biến thể đột biến mới của virus, đó có thể là một dấu hiệu đáng ngại đối với các loại vaccine khác, cho thấy virus có khả năng cản trở nỗ lực chống lại nó của các nhà khoa học.

Thông điệp tổng thể từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức khác là: ''Đừng hoảng sợ''. Một số quan chức y tế toàn cầu lưu ý, nghiên cứu ở Nam Phi có quy mô nhỏ và đã thử nghiệm vaccine này bằng cách áp dụng khoảng thời gian giữa liều đầu tiên và liều thứ hai là 4 tuần - được đánh giá là khá ngắn, vì đã có bằng chứng cho thấy vaccine sẽ hoạt động tốt hơn nếu khoảng thời gian này kéo dài hơn.

Nghiên cứu viên chính về thử nghiệm vaccine AstraZeneca ở Nam Phi, Shabir Madhi, nói rằng ông tin vaccine này có vai trò lớn ở Châu Phi và toàn cầu, và 1 triệu liều đã được giao cho Nam Phi - sẽ hết hạn vào tháng 4 - nên được triển khai nhanh chóng, để không bị lãng phí.

Các chính phủ phương Tây cũng lên tiếng ủng hộ vaccine AstraZeneca - loại vaccine đã nhận được sự phê duyệt của nhiều quốc gia.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với các phóng viên: “Chúng tôi nghĩ rằng cả hai loại vaccine (của AstraZeneca và Pfizer - PV) mà chúng tôi hiện đang sử dụng đều có hiệu quả, như tôi đã nói, trong việc ngăn chặn bệnh nghiêm trọng và tử vong”.

Bộ trưởng Y tế Pháp, Olivier Veran, đang hy vọng rằng, vaccine AstraZeneca sẽ giúp đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đang đi sau các quốc gia giàu có khác. Ông cho biết, vaccine AstraZeneca cung cấp đủ khả năng bảo vệ chống lại “gần như tất cả các biến thể” virus.

Nhưng nếu các vaccine không hoạt động hiệu quả như kỳ vọng trong việc chống lại các biến thể mới đang lây lan, thế giới có thể phải đối mặt với một cuộc chiến chống virus lâu hơn và tốn kém hơn nhiều so với quan điểm trước đây.

Biến thể chiếm ưu thế ở Nam Phi đang lưu hành ở ít nhất 40 quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ.

Áo đã cảnh báo người dân nếu không cần thiết, không nên di chuyển đến tỉnh Tyrol thuộc khu vực Alpine ở nước này do đang bùng phát biến thể Nam Phi. Các ca mắc biến thể cũng được phát hiện ở khu vực phía bắc Paris, khiến một trường học phải đóng cửa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn