MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giới khoa học choáng ngợp bởi siêu tân tinh lớn gấp 100 lần mặt trời

Khánh Minh LDO | 15/04/2020 12:05
Giới khoa học choáng ngợp trước siêu tân tinh - cái chết dữ dội của một ngôi sao khổng lồ lớn gấp 100 lần mặt trời.

Siêu tân tinh hay sao siêu mới là một sự kiện thiên văn học biến đổi tức thời xảy ra trong giai đoạn cuối của quá trình tiến hóa sao ở các sao khối lượng lớn, mà một vụ nổ khổng lồ cuối cùng đánh dấu sự hủy diệt của sao.

Siêu tân tinh, giải phóng năng lượng gấp đôi so với bất kỳ vụ nổ sao nào khác được quan sát cho đến nay, xảy ra cách trái đất khoảng 4,6 tỉ năm ánh sáng trong một thiên hà tương đối nhỏ - Reuters dẫn tuyên bố của các nhà khoa học cho biết. Một năm ánh sáng là khoảng cách ánh sáng truyền đi trong một năm, khoảng 9,5 nghìn tỉ kilomet.

Nhà vật lý thiên văn Matt Nicholl của Đại học Birmingham ở Anh cho biết hai ngôi sao cực lớn - mỗi ngôi sao có khối lượng lớn gấp 50 lần mặt trời - có thể đã hợp nhất để tạo thành một ngôi sao cực kỳ lớn khoảng 1.000 năm trước vụ nổ này.

Chúng là một phần của cái được gọi là hệ nhị phân với hai ngôi sao bị lực hấp dẫn ràng buộc nhau.

Ngôi sao hợp nhất đã phát nổ trong một siêu tân tinh, có tên chính thức là SN2016aps, bên trong một lớp vỏ rất dày và giàu hydro.

"Chúng tôi thấy rằng siêu tân tinh có thể trở nên sáng ngợp như vậy vì cú va chạm mạnh giữa các mảnh vỡ của vụ nổ và vỏ khí tách ra từ ngôi sao vài năm trước đó" - Nicholl, tác giả chính của nghiên cứu cho biết tuần trong tạp chí Nature Astronomy.

Các ngôi sao chết theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào kích thước của chúng và các thuộc tính khác. Khi một ngôi sao khổng lồ - lớn hơn 8 lần mặt trời - không còn năng lượng, nó nguội đi và sập lõi, gây ra sóng xung kích làm cho lớp ngoài phát nổ dữ dội đến mức có thể chiếu sáng toàn bộ các thiên hà.

Các nhà nghiên cứu, người đã quan sát vụ nổ trong 2 năm cho đến khi nó giảm xuống 1% độ sáng tối đa, cho biết đây có thể là một ví dụ về siêu tân tinh “mất ổn định cặp xung" cực kỳ hiếm.

Peter Blanchard, đồng tác giả nghiên cứu, đồng thời là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về vật lý thiên văn tại Đại học Tây Bắc ở Illinois cho biết: "Sự bất ổn của cặp xung là khi các ngôi sao cực lớn trải qua các xung và đẩy vật chất ra khỏi ngôi sao".

"Phát hiện này cho thấy có nhiều hiện tượng thú vị và mới mẻ còn sót lại trong vũ trụ" - Blanchard nói thêm.

Còn Nicholl cho hay, những ngôi sao siêu lớn như thế này có lẽ đã có từ rất sớm trong lịch sử vũ trụ. Bản chất của những ngôi sao đầu tiên này là một trong những câu hỏi lớn trong thiên văn học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn