MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trái đất nóng hơn so với ít nhất 120 thế kỷ trước đây. Ảnh: AFP

Giới khoa học giải mã bí ẩn kinh ngạc về trái đất

Song Minh LDO | 31/01/2021 11:14
Các nhà khoa học đã giải quyết một bí ẩn kinh ngạc, xác nhận trái đất nóng hơn so với ít nhất 120 thế kỷ trước đây.

Theo trang Space.com, các nhà khoa học đã giải quyết một bí ẩn gây tranh cãi nhưng quan trọng về biến đổi khí hậu, củng cố các mô hình khí hậu và xác nhận rằng, trái đất đang nóng hơn so với thời gian ít nhất 12.000 năm và thậm chí có thể là 128.000 năm qua, theo dữ liệu nhiệt độ toàn cầu hàng năm gần đây nhất.

Bí ẩn này được gọi là "câu hỏi hóc búa về nhiệt độ thế Holocen", mô tả cuộc tranh luận về việc nhiệt độ đã thay đổi như thế nào trong thế Holocen (còn gọi là thế Toàn Tân) - thế địa chất bắt đầu khi kết thúc thế Pleistocen, vào khoảng 11.700 năm trước và còn tiếp tục ngày nay.

Trong khi một số mô hình tái lập trước đây cho thấy nhiệt độ trung bình của thế Holocen đạt đỉnh từ 6.000 đến 10.000 năm trước và hành tinh nguội đi sau đó, thì các mô hình khí hậu mới nhất cho thấy nhiệt độ toàn cầu đã thực sự tăng trong 12.000 năm qua, do các yếu tố như tăng phát thải khí nhà kính và khí hậu thay đổi.

"Câu hỏi hóc búa này đặt ra cho những người hoài nghi về tính hiệu quả của các mô hình khí hậu hiện tại để dự đoán chính xác tương lai của chúng ta" - tác giả chính Samantha Bova, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Rutgers, nói với Space.com.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới "loại bỏ bất kỳ nghi ngờ nào về vai trò quan trọng của carbon dioxide trong sự nóng lên toàn cầu và xác nhận các mô phỏng mô hình khí hậu cho thấy nhiệt độ trung bình hàng năm trên toàn cầu ấm lên, thay vì mát đi, trong suốt thời kỳ Holocene" - Samantha Bova nói.

Nhóm nghiên cứu đã phát triển một phương pháp mới cho phép họ "sử dụng nhiệt độ theo mùa để đưa ra mức trung bình hàng năm. Sử dụng phương pháp mới, chúng tôi chứng minh rằng thế Holocen có nhiệt độ hàng năm tăng đều đặn" - Bova nói thêm.

Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu nhiệt độ bề mặt biển được công bố trước đây, sử dụng thông tin về hóa thạch của foraminifera - sinh vật đơn bào sống trên bề mặt đại dương - và các dấu ấn sinh học khác từ tảo biển. Điều này cho phép họ tái tạo lại nhiệt độ trong lịch sử.

Với dữ liệu này, "chúng tôi chứng minh rằng, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu thời hậu công nghiệp đã tăng so với nhiệt độ trung bình hàng năm ấm nhất được ghi nhận trong 12.000 năm qua, trái ngược với các nghiên cứu gần đây" - Bova nói. "Do đó, nhiệt độ toàn cầu của trái đất đã đạt đến ngưỡng chưa được quan sát thấy trong ít nhất 12.000 năm qua và có lẽ là 128.000 năm qua".

Bova kết luận: “Theo kỷ lục dựa trên dữ liệu mới của Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) và Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), kết quả của chúng tôi chứng minh rằng, nhiệt độ trung bình hàng năm vào năm 2020 là ấm nhất trong 12.000 năm qua và có thể là 128.000 năm qua” - Bova kết luận.

Bằng cách xác nhận các kỷ lục nhiệt độ trong suốt khoảng thời gian này, nhóm nghiên cứu không chỉ cung cấp thêm bằng chứng về "hiệu quả của các mô hình khí hậu hiện tại trong việc mô phỏng chính xác khí hậu trong 12.000 năm qua, mà còn mang lại niềm tin vào khả năng dự đoán tương lai của họ" - Bova nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn