MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cơn bão ở Đại Tây Dương. Ảnh: NOAA

Giới khoa học ngóng bão để cứu san hô toàn cầu

Thanh Hà LDO | 29/06/2024 09:21

Đại dương nóng chưa từng có đã dẫn tới sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt tồi tệ nhất từ trước tới nay. Hiện tại, các chuyên gia về rạn san hô đang trông đợi sự cứu trợ từ những cơn bão.

Theo dữ liệu mới nhất mà ​​Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) chia sẻ với CNN, từ tháng 1.2023, 72% diện tích rạn san hô trên Trái đất trải qua sốc nhiệt tới mức đủ để bị tẩy trắng, vượt mức 65,7% ghi nhận trong đợt tẩy trắng toàn cầu gần nhất từ 2014-2017.

Ông Derek Manzello, điều phối viên của Cơ quan Theo dõi Rạn san hô thuộc NOAA, chia sẻ, các rạn san hô ở Đại Tây Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. “Một cơn bão nhiệt đới hoặc bão cuồng phong đúng lúc có thể mang lại sự giảm nhiệt cần thiết cho các san hô đang bị sốc nhiệt", ông Derek Manzello nói.

Bão hoạt động giống như thiết bị chân không khổng lồ thấp thụ nhiệt của đại dương khi lấy đi nước nóng và không khí ẩm để mạnh lên. Trong quá trình di chuyển, các cơn bão sẽ làm mát đại dương, qua đó tiêu thụ nhiệt của đại dương đồng thời khuấy động các túi nước lạnh từ sâu trong đại dương lên trên bề mặt.

Theo ông Manzello, một cơn bão có thể làm mát một khu vực đại dương dài gần 650 km tính từ tâm bão. Điều này có nghĩa là các cơn bão có thể là điều tốt cho những san hô bị sốc nhiệt, các chuyên gia lưu ý.

Dana Wusinich-Mendez, trưởng nhóm Chương trình bảo tồn rạn san hô Đại Tây Dương và Caribbean của NOAA, cho biết: “Một cơn bão, thậm chí chỉ một tuần nhiều mây và mưa có thể mang lại cho các hệ sinh thái này một khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết sau khi trải qua khoảng thời gian căng thẳng thực sự kéo dài”.

Tuy nhiên, Marilyn Brandt - giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Biển của Đại học Quần đảo Virgin - cho biết, các đại dương hiện đang quá nóng và nóng quá sâu nên nhiều nhà khoa học lo ngại những cơn bão có thể không thực sự hiệu quả.

Bão cấp 1 và cấp 2 từng đủ sức làm mát nước để giảm hiện tượng tẩy trắng san hô. Tuy nhiên, hiện giờ có thể cần một cơn bão mạnh hơn để đạt được mức hiệu quả tương tự. Bà lưu ý, tác động của cơn bão cũng chỉ là thoáng qua, kéo dài khoảng một tuần. Trong khi đó, quá trình phục hồi hoàn toàn sau tẩy trắng có thể mất nhiều năm.

Ngoài ra, bão cũng là con dao hai lưỡi. Những con sóng mạnh mẽ trong bão có thể phá vỡ các rạn san hô mỏng manh, xô đổ toàn bộ quần thể san hô và gây tổn hại đáng kể, thậm chí là tiêu diệt san hô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn