MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đập Tam Hiệp - thuộc quản lý của Tập đoàn Tam Hiệp - xả lũ trong mùa lũ 2020. Ảnh: Tân Hoa Xã

Giúp Tập đoàn Tam Hiệp bán trái phiếu, ngân hàng Mỹ có thể gặp rủi ro

Song Minh LDO | 24/09/2020 10:41
Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc đang rao bán hàng tỉ USD trái phiếu với sự trợ giúp của các ngân hàng Mỹ.

Tập đoàn Tam Hiệp - đơn vị vận hành đập Tam Hiệp của Trung Quốc - và Tập đoàn Hóa chất Trung Quốc mới đây bị Lầu Năm Góc "dán nhãn" là các tập đoàn thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hoặc do quân đội Trung Quốc kiểm soát.

Tờ Wall Street Journal đưa tin, hai tập đoàn Trung Quốc này đang rao bán hàng tỉ USD trái phiếu với sự hỗ trợ của các ngân hàng phương Tây.

Việc dán nhãn không áp đặt bất kỳ hạn chế được ủy quyền nào và bản thân nó không liên quan đến việc liệu một tổ chức có thể kinh doanh tại Mỹ hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia và các nhà phân tích tiền tệ cảnh báo rằng, việc dán nhãn rất có thể là một dấu hiệu trừng phạt quay trở lại và sẽ gây nguy hiểm về uy tín cho các ngân hàng thực hiện việc bán và các nhà giao dịch mua trái phiếu, mặc dù thực tế là họ không vi phạm bất kỳ hướng dẫn pháp lý nào của Mỹ.

Tổng doanh số bán trái phiếu của Tập đoàn Tam Hiệp và Tập đoàn Hóa chất Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, động thái "dán nhãn" của Lầu Năm Góc hiện không cản trở việc gây quỹ trên toàn thế giới. Các ngân hàng Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đang quản lý việc bán và quảng cáo trái phiếu cho các nhà giao dịch quốc tế.

Đập Tam Hiệp xả lũ trong mùa lũ 2020. Ảnh: CGTN
Benjamin Kostrzewa, một luật sư thương mại toàn cầu tại Hogan Lovells, cho biết: “Mặc dù không rõ hậu quả cuối cùng của việc Lầu Năm Góc công bố danh sách các tập đoàn thuộc sở hữu quân đội Trung Quốc, nhưng các ngân hàng tiến hành hợp tác kinh doanh với các tập đoàn này có thể đối mặt với những nguy hiểm về danh tiếng nếu chính quyền Mỹ có hành động nhanh chóng để chống lại các tập đoàn Trung Quốc”.

Từ ngày 15.9, Tập đoàn Tam Hiệp bắt đầu quảng cáo trái phiếu đồng bạc xanh kỳ hạn 5 và 10 năm, The Wall Street Journal cho hay. Một ngày trước đó, Tập đoàn Hóa chất Trung Quốc rao bán 2,4 tỉ USD trái phiếu đồng bạc xanh cùng với 593 triệu USD trái phiếu bằng euro.

Ngân hàng Mỹ Bank of America và Goldman Sachs Group giúp Tập đoàn Hóa chất Trung Quốc bán trái phiếu, trong khi JPMorgan Chase và Morgan Stanley nằm trong số những nhà bảo lãnh cho Tập đoàn Tam Hiệp.

Một quan chức tại một trong nhiều ngân hàng cho biết, không có hạn chế nào cấm các công ty hợp tác kinh doanh với các tập đoàn trong danh sách của Lầu Năm Góc. Các đại diện còn lại từ chối bình luận.

“Nếu các tập đoàn Mỹ giúp các tập đoàn Trung Quốc nằm trong tầm ngắm của chính quyền Washington, chúng tôi không loại trừ họ sẽ chịu áp lực từ cơ quan quản lý nội bộ nếu các biện pháp trừng phạt tiếp tục được đưa ra" - Brayan Lai, nhà phân tích cấp cao của CreditSights, đề cập.

Việc dán nhãn của Lầu Năm Góc rất có thể nhằm mục đích không khuyến khích các công ty khác kinh doanh với các công ty Trung Quốc, giới chuyên gia pháp lý tại Arent Fox cho hay. Theo các chuyên gia pháp lý, nó cũng có thể đặt nền tảng cho các lệnh trừng phạt của tổng thống nhằm ngăn cản các đối tác của Mỹ tham gia các hoạt động kinh doanh với những tập đoàn được nêu tên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn