MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Donald Trump ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng John S. McCain cho năm tài chính 2019. Ảnh: AFP

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật quốc phòng dù ông Trump dọa phủ quyết

Song Minh LDO | 09/12/2020 09:55

Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát thông qua dự luật quốc phòng hôm 8.12, ngay cả khi Tổng thống Donald Trump tái đe dọa phủ quyết.

Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter hôm 8.12 rằng ông sẽ phủ quyết “Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng NDAA rất yếu kém” nếu văn kiện này không bao gồm điều khoản loại bỏ Điều 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông được ban hành năm 1996 nhằm bảo vệ các công ty Internet.

Theo Điều 230, bất kỳ trang web hoặc dịch vụ lưu trữ nội dung nào - như phần bình luận của các trang tin tức, nền tảng video của Youtube hay các dịch vụ của Facebook, Twitter - đều không thể bị khởi kiện vì những nội dung được người dùng đăng lên.

Tổng thống Donald Trump cũng muốn Quốc hội loại bỏ một điều khoản trong dự luật cho phép đổi tên các căn cứ quân sự hiện tôn vinh các nhà lãnh đạo Liên minh miền Nam.

Theo AP, Hạ viện Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện dự luật NDAA - trong đó khẳng định việc tăng lương 3% tự động cho quân đội Mỹ và cho phép các chương trình quân sự khác - bất chấp mối đe dọa phủ quyết.

Hạ viện đã thông qua dự luật với 335 phiếu thuận, 78 phiếu chống. Dự luật hiện được chuyển đến Thượng viện.

Hạ nghị sĩ Wyoming Liz Cheney, một thành viên của ban lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện, kêu gọi ông Donald Trump không phủ quyết dự luật.

Nhưng với việc ông Donald Trump gây áp lực để các thành viên Cộng hòa đứng về phía mình, vẫn chưa rõ cho đến khi kiểm phiếu cuối cùng liệu dự luật có nhận được 2/3 sự ủng hộ cần thiết để vượt qua quyền phủ quyết hay không.

House Freedom Caucus - nhóm Cộng hòa tại Hạ viện gồm khoảng hơn 30 thành viên bảo thủ - đã ủng hộ quan điểm của ông Donald Trump và phản đối dự luật.

“Chúng tôi sát cánh với Tổng thống” - Hạ nghị sĩ Andy Biggs, chủ tịch nhóm, cho biết, và nói rằng dự luật NDAA cụ thể này "chứa đầy những sai sót và vấn đề”, bao gồm cả những hạn chế về việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan và Đức theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.

Các nhà lập pháp khác lưu ý rằng nhiều chương trình quốc phòng của Mỹ chỉ có thể có hiệu lực nếu dự luật được thông qua, bao gồm cả việc xây dựng quân đội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn