MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
AND lấy từ hài cốt 7.000 năm tuổi cho thấy những phát hiện mới về người sơ khai. Ảnh chụp màn hình

Hài cốt 7.000 năm tuổi "viết lại" quan điểm về người sơ khai

Song Minh LDO | 06/10/2021 15:47
Nghiên cứu về hài cốt 7.000 năm tuổi định hình lại quan điểm về người sơ khai.

Dấu vết di truyền trong hài cốt một phụ nữ trẻ chết cách đây 7.000 năm đã cung cấp manh mối đầu tiên cho thấy rằng, sự pha trộn giữa người sơ khai ở Indonesia và người sơ khai đến từ Siberia xa xôi đã diễn ra sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.

Các lý thuyết về sự di cư sớm của người Châu Á có thể sẽ thay đổi nhờ nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Nature, sau khi phân tích ADN của người phụ nữ được chôn cất theo nghi lễ trong một hang động ở Indonesia - Reuters đưa tin ngày 6.10.

Basran Burhan - nhà khảo cổ học từ Đại học Griffith của Australia, một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu - cho biết: “Có khả năng khu vực Wallacea là điểm gặp gỡ của hai loài người: Người Denisova và người tinh khôn sơ khai”.

Wallacea là khu vực bao gồm cả tỉnh Nam Sulawesi, nơi thi thể bị chôn vùi với đá trên tay và trên xương chậu, được tìm thấy trong quần thể hang động Leang Pannige.

Các nhà khảo cổ đến thăm hang động Leang Panninge trong một cuộc nghiên cứu về đá cổ ở tỉnh Nam Sulawesi, Indonesia, tháng 9.2020. Ảnh chụp màn hình

Người Denisova là một nhóm người cổ đại được đặt tên theo một hang động ở Siberia, nơi hài cốt của họ được xác định lần đầu tiên vào năm 2010. Các nhà khoa học hiểu rất ít về họ và thậm chí chi tiết về ngoại hình của họ cũng không được nhiều người biết đến.

ADN của người phụ nữ trẻ mà các nhà nghiên cứu đặt tên là Besse là một trong số ít các mẫu vật bảo quản tốt được tìm thấy ở vùng nhiệt đới.

Các nhà khoa học cho biết, mặc dù người phụ nữ là hậu duệ của những người Nam Đảo (Austronesian) phổ biến ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương, nhưng cũng có dấu vết di truyền Denisova.

“Các phân tích di truyền cho thấy loài người này chia sẻ hầu hết các điểm tương đồng về di truyền và hình thái với các nhóm người Australia và Papua bản địa ngày nay” - các nhà nghiên cứu cho biết trong bài báo.

Hài cốt hiện được lưu giữ tại một trường đại học ở thành phố Makassar, Nam Sulawesi.

Cho đến gần đây, các nhà khoa học cho rằng những người Bắc Á như người Denisova mới chỉ đến Đông Nam Á khoảng 3.500 năm trước.

ADN của Besse thay đổi lý thuyết về những kiểu di cư của người sơ khai và cũng có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về nguồn gốc của người Papua và người Australia bản địa có chung ADN của người Denisova.

Iwan Sumantri - giảng viên tại Đại học Hasanuddin ở Nam Sulawesi, người cũng tham gia dự án - cho biết: “Các lý thuyết về di cư sẽ thay đổi, vì các lý thuyết về chủng tộc cũng sẽ thay đổi.

Di cốt của Besse cung cấp dấu hiệu đầu tiên về người Denisova trong số những người Nam Đảo - những người thuộc nhóm dân tộc lâu đời nhất của Indonesia, ông Sumantri nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn