MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Pháp và Đức tăng cường hạn chế COVID-19 tại biên giới để ngăn chặn biến thể COVID-19. Ảnh: AFP

Hai nước Châu Âu thắt chặt hạn chế biên giới để ngăn chặn biến thể COVID-19

Phương Linh LDO | 01/03/2021 14:55
Pháp và Đức thắt chặt biện pháp hạn chế ở biên giới hai nước để ngăn chặn lây lan biến thể COVID-19.

Theo Reuters, Bộ trưởng Các vấn đề Châu Âu của Pháp Clement Beaune ngày 28.2 cho biết, hai nước Pháp và Đức đã thống nhất quy định những người đi qua biên giới giữa vùng Moselle của Pháp và Đức sẽ phải trình kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính với COVID-19 trong vòng 48h trước đó.

Với quy định mới, chính phủ Pháp muốn tăng cường hạn chế đi lại ở biên giới với Đức, nơi có 16.000 công nhân vùng Moselle của Pháp qua lại mỗi ngày.

Phát biểu trên kênh truyền hình BFM, Bộ trưởng Beaune nói: “Chúng tôi đã đàm phán với phía Đức để việc đi lại qua biên giới vẫn có thể diễn ra, do đó, các xét nghiệm là xét nghiệm kháng nguyên để nhanh chóng và dễ dàng hơn''.

Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch của Đức ngày 28.2 đã đánh giá Moselle là khu vực đáng quan ngại do tình trạng lây lan biến thể COVID-19 Nam Phi. Điều này đã khiến Berlin đưa ra thông báo rằng, Đức sẽ áp đặt hạn chế đi lại từ khu vực Moselle kể từ 2.3.

Theo thông tin từ giới chức Đức, giao thông công cộng giữa Moselle và các bang Rhineland-Palatinate và Saarland của Đức sẽ bị đình chỉ, và những người đi làm việc bằng ô tô riêng đến từ Moselle sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Cảnh sát sẽ không thiết lập các trạm kiểm soát cố định ở biên giới, nhưng sẽ kiểm tra ngẫu nhiên.

Đức vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới với Cộng hòa Czech và Áo trong khi cố gắng tránh các hạn chế tại biên giới với Pháp.

Pháp bắt đầu tăng cường các hạn chế cục bộ tại một số địa phương như Dunkirk ở phía bắc và Nice ở phía nam, nhưng cố ngăn chặn khả năng áp đặt một đợt phong tỏa toàn quốc để kiểm soát lây lan biến thể COVID-19 mới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên tục ủng hộ việc giữ cho biên giới được mở cửa giữa các nước EU trong bối cảnh đại dịch và từng mâu thuẫn với Đức vào năm 2020 sau khi Berlin đóng cửa biên giới trong làn sóng bùng phát đại dịch lần đầu tiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn